Anh Ninh chia sẻ, làm nông nghiệp cũng như những ngành nghề khác, không được lùi bước trước khó khăn. Đây là ngành nghề có yếu tố rủi ro cao vì phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường, vật tư…
Do vậy, muốn thành công không thể áp dụng theo những phương pháp, kinh nghiệm truyền thống mà đòi hỏi phải không ngừng học tập, cập nhật kiến thức khoa học để áp dụng vào quá trình sản xuất của mình. Vợ chồng anh luôn quan tâm, tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm, các phương pháp khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham quan, học tập kinh nghiệm từ chính các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, cùng với đó áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh tăng năng suất mía.
Đến nay, gia trại của gia đình anh Ninh bao gồm 7.500 m2 ao thả các loại cá truyền thống như: trắm, chép, trôi, rô phi... mỗi năm thu hơn 4 tấn cá. Tận dụng lá mía, ngọn mía trong vườn gia đình, anh chăn nuôi thường xuyên 6 cặp bò sinh sản mỗi năm xuất chuồng 6 - 7 con bò giống, bò thịt. Ngoài ra, với diện tích 1,6 ha mía nguyên liệu mỗi năm gia đình thu hơn 100 tấn mía. Tổng thu nhập của gia đình là hơn 350 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng.
Đánh giá về mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Ninh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Yên Lục Văn Chuyển cho biết, đây là mô hình kinh tế điển hình, hiệu quả, thể hiện sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, góp phần thay đổi bộ mặt quê hương. Mô hình góp phần tạo hướng đi mới cho nông dân địa phương, học tập, phát triển kinh tế. Vợ chồng anh Ninh luôn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên khác.
Bài, ảnh: Cao Huy