Sau khi cấy hoặc gieo sạ cần thường xuyên thăm đồng để theo dõi sinh trưởng của cây lúa; chủ động bón thúc phân sớm để lúa đẻ nhánh tập trung; khi bón phân nên kết hợp với sục bùn sẽ hạn chế được cỏ dại và tăng khả năng hấp thụ phân của cây lúa.
1. Bón phân thúc cho lúa cấy
- Bón thúc lần 1: Sau cấy khoảng 10 đến 12 ngày, khi cây lúa đã bén rễ và hồi xanh. Lượng phân bón cho một sào Bắc bộ (360 m2) như sau: Đối với lúa lai, bón 4 kg đạm urê + 4 kg kali; đối với lúa thuần, bón 4 kg đạm urê + 3 kg kali; kết hợp làm cỏ sục bùn trong ruộng lúa.
+ Sau khi bón thúc lần 1 từ 10 đến 15 ngày, nếu thấy ruộng lúa sinh trưởng không đều thì bón bổ sung từ 1 đến 2 kg đạm vào những chỗ lúa xấu để ruộng lúa phát triển đều.
- Bón thúc lần 2: Khi lúa có đòng non. Lượng phân bón cho một sào như sau: Đối với lúa lai, bón 2 kg đạm urê + 4 kg kali; đối với lúa thuần, bón từ 2 đến 4 kg đạm urê + 2 kg kali.
2. Bón phân thúc cho lúa gieo thẳng
- Bón phân thúc lần 1 khi cây lúa có từ 2 đến 2,5 lá. Lượng phân bón cho một sào như sau: Đối với lúa lai bón 2 kg đạm urê + 1,5 kg kali; đối với lúa thuần bón 1,5 kg đạm urê + 1 kg kali; kết hợp tỉa, giặm tạo sự đồng đều trên ruộng và đảm bảo mật độ từ 120 đến 140 cây/m2 (khoảng cách từ 8 - 9 cm/cây).
- Bón thúc lần 2 khi cây lúa có từ 5 đến 6 lá. Lượng phân bón cho một sào như sau: Đối với lúa lai bón 5 kg đạm urê + 2,5 kg kali; đối với lúa thuần 4kg đạm urê + 1,5 kg kali; kết hợp làm cỏ sục bùn, tỉa và cấy giặm những chỗ dầy vào chỗ thưa quá để đảm bảo mật độ.
- Bón đón đòng: Khi lúa có đòng non (cứt gián): lượng phân bón cho một sào như sau: Đối với lúa lai bón 3 kg đạm urê + 4 kg kali; đối với lúa thuần bón 2,5 kg đạm urê + 2,5 kg phân kali.
II. Phòng trừ côn trùng và sâu, bệnh hại
1. Ốc bươu vàng
* Tác hại: Ốc bươu vàng ăn phiến lá và nõn lúa, chúng gây hại nhiều vào sáng sớm và chiều tối, ốc có thể cắn trụi tới tận gốc lúa nên rất khó phục hồi.
* Biện pháp phòng trừ:
- Biện pháp thủ công: Vệ sinh đồng ruộng, khơi rãnh quanh ruộng để ốc tập trung vào rãnh và kịp thời thu nhặt đem đi tiêu hủy; sử dụng phên hoặc lưới 3 lớp chắn ở đầu các dòng nước dẫn vào ruộng để ngăn không cho ốc xâm nhập ruộng lúa.
- Biện pháp hóa học: Khi mật độ ốc bươu vàng từ 3 đến 5 con/m2 trở lên, có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Pazol 700WP, Catfish 70WP,... để phun trừ. Nồng độ và liều lượng sử dụng thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất; khi phun thuốc cần duy trì mực nước trên mặt ruộng cao từ 2 đến 3 cm.
2. Bệnh nghẹt rễ, vàng lá sinh lý
Để tránh ngộ độc hữu cơ cho cây lúa vụ mùa, cần làm đất kỹ trước khi gieo cấy; có thể sử dụng một trong các chế phẩm sinh học như: Trichoderma, Sumitri,... phun hoặc trộn đều với phân chuồng, rơm rạ và tàn dư thực vật để tạo độ phân hủy nhanh hơn.
Khi cây lúa đã bị bệnh nghẹt rễ: Ngừng bón đạm, tháo gạn nước và sử dụng từ 10 đến 15 kg vôi bột cùng 10 đến 15 kg phân lân nung chảy bón đều cho 1 sào, kết hợp làm cỏ, sục bùn để giải phóng khí độc trong đất. Sau khi cây lúa ra rễ mới thì phun bổ sung phân bón qua lá để giúp cho cây lúa phục hồi nhanh, sinh trưởng phát triển tốt.
Ngoài ra cần tăng cường áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gồm: Biện pháp canh tác; biện pháp thủ công và biện pháp sinh học... để phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả hơn. Chỉ sử dụng thuốc hóa học khi thực sự cần thiết và lựa chọn những loại thuốc ít độc với thiên địch nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Trên đây là hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và biện pháp phòng trừ một số côn trùng, sâu bệnh hại lúa vụ mùa. Đề nghị bà con nông dân thực hiện sản xuất tốt, đạt hiệu quả cao./.
Trung tâm Khuyến nông