Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp để làm rõ thông tin về tình hình hạn hán khi một số hồ thủy điện cạn trơ đáy và nắng nóng kéo dài trong những ngày qua. Đặc biệt, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%.
Nói về tình hình hạn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin: Hạn năm nay cũng như trung bình nhiều năm và đặc biệt ở Việt Nam cứ đến mùa khô thì có hạn cục bộ ở một số nơi - nơi này các công trình thủy lợi chưa phục vụ được. Tôi đã đi kiểm tra nước ở các hồ thủy lợi, hiện nay vẫn ở mức trung bình chung và cao hơn trung bình nhiều năm, tức là khu vực hồ thủy lợi đang phục vụ tốt.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: Ở Việt Nam cứ đến mùa khô thì có hạn cục bộ ở một số nơi. Ảnh Khương Lực
Còn nước ở một số hồ thủy điện, báo chí truyền thông đưa lên cạn trơ đáy, về việc này Bộ Công Thương phải kiểm tra lại quy trình vận hành. Quy trình vận hành các hồ thủy điện là phải đa mục tiêu, tất nhiên ưu tiên đầu tiên là phát điện, nhưng mục tiêu rất quan trọng thứ hai là việc vận hành phải đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất ở mức tối thiểu.
Nguy cơ ở đây là thiếu điện thì các hồ thủy điện nước đều giảm, thậm chí có hồ giảm 50% so với lượng trung bình chung nhiều năm, có những hồ đã về gần mực nước chết.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp
Còn nói mực nước về các hồ thấp hơn trung bình nhiều năm rất nhiều lần, cái này đã có cảnh báo rồi, nhưng chỉ xảy ra trong tháng 5; đến tháng 6, tháng 7 và tháng 8 thì mực nước như trung bình nhiều năm.
Thứ hai, theo thông báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 22 đến ngày 23/5 sẽ có rãnh áp thấp, kết hợp với hội tụ gió trên mực 1500m nên Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào, một số nơi có mưa cục bộ, mưa to với lượng mưa bình quân 20-40mm/24 giờ, có nơi trên 60mm/24 giờ.
Từ chiều tối 23 đến hết ngày 24/5, từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa rải rác, cục bộ, có nơi mưa to với lượng mưa bình quân từ 30-50mm/giờ. Ngoài ra, khu vực Nam Trung bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên cũng sẽ có mưa vào hôm nay và ngày mai với khối lượng mưa từ 30-50mm/giờ. Hy vọng đợt mưa này sẽ là cơn mưa vàng để giải quyết, chấm dứt đợt nắng nóng trong những ngày qua.
Thứ trưởng vừa đi kiểm tra tình hình hạn hán ở Nam Trung Bộ, thực tế hình hình hạn ở khu vực này diễn ra như thế nào?
- Tôi có đi kiểm tra tình hình hạn ở Quảng Nam. Tại thời điểm này, ở Quảng Nam vẫn chưa có hạn lớn, có một số điểm hạn cục bộ nhỏ và một số khu vực không lớn có xâm nhập mặn nên chưa lấy được nước nhưng ở diện hẹp. Dự báo nếu không có mưa thì vào đầu tháng 7 tỉnh Quảng Nam sẽ có một đợt hạn.
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Vậy, Bộ NNPTNT có hành động gì để chủ động ứng phó nhằm giảm bớt thiệt hại?
- Tại thời điểm này, tôi khẳng định bằng các chỉ đạo của Bộ NNPTNT và các địa phương thì trước mắt vẫn đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất, trừ các chỗ hạn cục bộ năm nào cũng bị. Cơ bản sẽ phải đảm bảo bằng cách vận hành một cách hợp lý và tiết kiệm nhất nước ở các hồ và sử dụng hợp lý nước ở các sông.
Mực nước hồ Trị An khô cạn nhất khoảng 13 năm trở lại đây. Ảnh: Nha Mẫn
Trong công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đã nói rất rõ có hiện tượng El Nino và theo quy luật El Nino diễn ra từ 1-2 năm, có những đợt cực đoan nhất diễn ra trong 3 năm. El Nino bao giờ cũng đi kèm nắng nóng và hạn, nếu có mưa thì mưa cực đoan.
Nếu El Nino diễn ra lần này và dự báo diễn ra trong 2 năm thì chúng ta sẽ đối mặt với một đợt hạn vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Trong đợt hạn này, khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất là Nam Trung bộ Tây Nam bộ và một phần Tây Nguyên, trong đó Tây Nam bộ sẽ bị xâm nhập mặn, khu vực Nam Trung bộ và một phần Tây Nguyên sẽ bị thiếu nước.
Để ứng phó, ngày 19/5, Bộ NNPTNT đã có Công văn số 3222/BNN-TL về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trong công văn gửi các địa phương, Bộ NNPTNT chú trọng hai giải pháp công trình và phi công trình. Khi hạn hán xảy ra, chúng ta phải lấy giải pháp phi công trình lên trước, đó là: sử dụng nước tiết kiệm và sắp tới vào mùa mưa ở các khu vực có nguy cơ bị hạn thì phải tính toán tích nước tập trung một cách hợp lý để dùng cho lúc hạn xảy ra.
Việc tích nước không tập trung rất quan trọng và đã tạo ra thành công khi Bộ NNPTNT chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam bộ chống hạn trong các năm 2019-2020. Ví dụ 1ha cây ăn quả chỉ cần 800m3 nước để dùng cầm cự trong 2 tháng và sau 2 tháng bắt đầu có mưa, công trình thủy lợi lại phục vụ bình thường.
Về giải pháp công trình, một số công trình Bộ đang làm chủ đầu tư phải đẩy nhanh lên để phục vụ ngay kỳ hạn lần này; thứ hai nạo vét kênh mương, các điểm tích trữ nước để tích nước tập trung, đặc biệt là Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
Trong tình huống El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối năm nay, Bộ NNPTNT sẽ có điều chỉnh như thế nào về sản xuất nông nghiệp để giảm bớt thiệt hại cho người dân và cho ngành?
- Về sản xuất nông nghiệp, ví dụ sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, bà con đã quen né mặn rất thành công từ năm 2020 đến nay. Về vấn đề này, Bộ và các cơ quan liên quan của Bộ sẽ có những nghiên cứu thật kỹ để chúng ta né mặn. Trong mấy vừa rồi cũng có hạn, nhưng không có ai kêu về sản xuất vì Bộ và các địa phương đã có kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất để né mặn.
Bây giờ căng nhất là vùng miền Trung, Tây Nguyên và những vùng trồng cây ăn quả không né được hạn thì chúng ta buộc phải tích nước không tập trung để tưới. Tích nước không tập trung không thể không làm, đặc biệt đối với các cây dài ngày và thực sự không quá tốn kém.
Hiện nay, người ta làm những bao lớn 20m3, giá trên thị trường 3 triệu đồng. Những bao này có thể dùng được trong 10 năm, người dân có thể bơm nước lên để đấy tưới cầm cự khi có hạn xảy ra. Đây là những kinh nghiệm đã có và khi đã có dự báo rồi thì các địa phương, đặc biệt bà con trực tiếp sản xuất không nên chủ quan, cái này không quá tốn kém.
Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ nói rõ Bộ NNPTNT xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ. Bây giờ các quy định của Nhà nước có rồi, sau hạn đền bù thiệt hại là đương nhiên, nhưng mà không ai muốn đền bù thiệt hại sau hạn, vấn đề làm thế nào để không có thiệt hại.
Các địa phương chủ động nguồn ngân sách tùy tình hình, quy định của Nhà nước có thể hỗ trợ cho bà con, thí dụ hỗ trợ 50/50 kinh phí chống hạn. Đối với các địa phương không cân đối được thì báo cáo để Bộ NNPTNT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để cấp từ ngân sách dự phòng Trung ương để phòng hạn.
Về nguyên tắc, 1 đồng phòng hạn bằng 7 đồng chống và bằng 70 đồng đền bù - tức là giờ mình bỏ ra 1 đồng để phòng thì bằng 7 đồng chống đỡ và bằng 70 đồng để đền bù, hỗ trợ thiệt hại sau này. Như vậy, tiền bỏ ra để phòng hạn có chi phí thấp và hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở các địa phương nâng cao ý thức, yêu cầu từ nhận thức phải có hành động, hành động ở đây là phòng, chứ không phải hành động để bồi thường thiệt hại.