Anh Nông Văn Thụy sinh năm 1985, sinh ra và lớn lên ở thôn Nà Va (Nà Liềm), xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình xuất thân trong một gia đình thuần nông, lam lũ vất vả. Năm 2010 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Viện Đại học Mở Hà Nội, anh đã làm qua nhiều công việc để bươn trải với cuộc sống. Sau nhiều năm vất vả mưu sinh anh quyết tâm về quê lập nghiệp.
Nhà màng trồng dưa của gia đình anh Thụy
Anh Thụy chia sẻ: Quê hương anh là vùng đất thuần nông, gia đình cũng có khá nhiều đất đai sản xuất. Anh nghĩ về quê sản xuất làm giàu trên chính mảnh đất của ông bà để lại thoải mái hơn đi làm thuê nơi khác. Vì vậy, năm 2022 anh Thụy quyết định trở về quê khởi nghiệp, sau khi tìm hiểu thị trường và nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay là thiên về những sản phẩm nông sản sạch. Với sự quyết tâm của bản thân và sự động viên từ phía gia đình và bạn bè, anh quyết định đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng trồng dưa lưới. Với địa phương, đây là một mô hình mới, cách làm mới được đánh giá có nhiều triển vọng, tạo ra giá trị sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng nên anh nghĩ mình sẽ thành công.
Anh Thụy đã dành thời gian đi tham quan tìm hiểu kinh nghiệm từ các mô hình trồng dưa lưới ở Vĩnh Phúc và một số mô hình trồng dưa lưới ở trong tỉnh để học hỏi cách làm, cách chăm sóc loại cây này trong nhà màng. Khi đã nắm vũng kỹ thuật, đầu năm 2023, anh chính thức đầu tư hơn 800 triệu đồng xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, giá thể, hạt giống… trên diện tích 1.100 m2 anh thiết kế 2 khung nhà màng liền kề. Cuối tháng 9/2023, anh Thụy trồng vụ đầu tiên là dưa chuột bao tử, sau hơn 1 tháng trồng đã bắt đầu thu hoạch, năng suất 6 tấn quả với giá bán 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi được gần 60 triệu đồng.
“Vạn sự khởi đầu nan”, sau thắng lợi của vụ dưa chuột bao tử đầu tiên, năm 2024 anh Thụy đã trồng thêm được 3 vụ dưa lưới trong nhà màng. Vụ thứ 3 này anh trồng gần 3.000 cây giống dưa lưới mới của Nhật có tên Ichiba loại dưa này có độ giòn, ngọt và thơm đang được thị trường ưu chuộng. Mỗi cây được trồng riêng trong từng túi, với giá thể xơ dừa đã qua xử lý. Để bảo đảm cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt tiên tiến giúp chất dinh dưỡng được hấp thụ tốt, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Sau khi hạt dưa lưới được gieo từ 7 - 10 ngày, anh tiến hành tập trung chăm sóc. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên vườn dưa lưới của anh Thụy sinh trưởng, phát triển tốt. Vào thời điểm dưa lưới đơm hoa, anh phải dành thời gian thụ phấn cho dưa. Dưa sau khi thụ phấn, ra quả, được tuyển lựa nhiều lần và mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi cho tới khi thu hoạch. Để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi quả cũng như phòng tránh dịch bệnh, phải thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh, tạo sự thông thoáng cho vườn. Chỉ sau 75 ngày trồng, vườn dưa đã bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng bình quân từ 1,4 - 2,0 kg mỗi quả, sản lượng ước đạt 5,4 tấn/vụ/1.100 m2, với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg. Tổng doanh thu trên 216 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cho lãi ròng trên 100 triệu đồng/vụ.
Hiện nay, sản phẩm dưa lưới của gia đình anh Thụy được Công ty cổ phần nông nghiệp Hải Minh, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm, nên anh Thụy rất mừng và yên tâm sản xuất vì có đầu ra ổn định.
Anh Thụy cho biết, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây dưa lưới là 2,5 tháng, tương đương 75- 80 ngày sẽ cho thu hoạch, sau mỗi vụ thu hoạch thì dừng khoảng 2 tuần để vệ sinh, khử khuẩn vườn nên có thể sản xuất 3 vụ dưa lưới và 1 vụ dưa chuột bao tử. Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của anh Thụy có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, gia đình anh luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình trồng dưa lưới của anh đã tạo việc làm thời vụ cho một số lao động địa phương. Trong thời gian tới anh sẽ mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như đơn vị liên kết và tạo thêm việc làm cho lao động ở địa phương.
Anh Thụy chia sẻ thêm: Đối với anh, trồng dưa lưới không khó, cái khó là nguồn vốn đầu tư, nếu kiên trì, bền bỉ, chịu khó thì mô hình trồng dưa lưới mới đem lại kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, anh còn quan tâm đến khâu chọn giống và học hỏi thêm trên internet những tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định, đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mới để cho một vụ dưa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Đó cũng là cơ hội giúp nông dân, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Anh Vũ Văn Lượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Lâm - cho biết, mô hình trồng dưa lưới của Nông Văn Thụy là mô hình mới ở địa phương, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp cho thanh niên nói riêng, cho người dân địa phương nói chung vì thu nhập cao, ổn định. Tinh thần khởi nghiệp của anh Thụy đã góp phần làm lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm đến tuổi trẻ ở địa phương, khi mô hình trồng dưa lưới của anh được xã chọn làm mô hình điểm để về đích nông thôn mới và để cho các đoàn viên, thanh niên trong xã, huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, anh Thụy cũng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương./.
Trung tâm Khuyến nông