(CNVN) Điểm tương đồng giữa thành phần khẩu phần trước và sau cai sữa là yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến năng suất của lợn con sau cai sữa, yếu tố này có thể sẽ quan trọng hơn so với lượng ăn vào tuyệt đối của thức ăn rắn trước cai sữa.
Trong chăn nuôi lợn thương phẩm, việc chuyển đổi khẩu phần từ sữa nái sang thức ăn rắn là một trong những yếu tố gây căng thẳng nhất cho lợn con tại thời điểm cai sữa, đây là nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng “sụt giảm sau cai sữa” và suy thoái hệ tiêu hóa sau cai sữa. Việc cho ăn thức ăn tập ăn (thức ăn creep) sẽ giúp cải thiện năng suất của lợn con sau cai sữa, bằng cách tập cho chúng quen dần với thức ăn rắn trước cai sữa.
Các tác động của việc cung cấp thức ăn creep đối với sự phát triển đường ruột của lợn – cụ thể là đối với tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy sau cai sữa – đã được nghiên cứu rộng rãi nhưng vẫn chưa đi đến kết luận. Chúng tôi đồng ý rằng các tác động của thức ăn creep đối với sự phát triển đường ruột (hệ vi sinh vật) và các tác động gián tiếp đối với bệnh tiêu chảy sau cai sữa có thể phụ thuộc vào độ tuổi cho ăn, khẩu phần và thành phần dinh dưỡng của thức ăn creep, cũng như lượng ăn vào. Trên thực tế, lượng ăn vào sẽ cho thấy tác động rõ ràng nhất của thức ăn creep đối với năng suất của lợn con vì tác động này chủ yếu được thể hiện ở số lợn tiêu thụ thức ăn creep (tức là số lợn biết ăn), và thể hiện rõ ràng hơn ở những con tiêu thụ lượng thức ăn creep tương đối lớn. Do đó, có nhiều luồng ý kiến đồng tình với việc loại bỏ kẽm oxit (ZnO) và giảm sử dụng kháng sinh trong khẩu phần, và đây là những yếu tố quan trọng cần phải chuẩn bị cho lợn con trước cai sữa để có một giai đoạn sau cai sữa thành công.
Thông qua một nghiên cứu gần đây, cụ thể trong trường hợp cai sữa cho lợn con trên 24 ngày tuổi, chúng tôi nhận ra là cần phải duy trì khẩu phần ăn giống nhau quanh thời điểm cai sữa để ngăn ngừa tình trạng “sụt giảm sau cai sữa”. Chúng tôi gọi đây là khẩu phần cai sữa chuyển tiếp, mục đích chính của khẩu phần này nhằm giúp thúc đẩy lượng ăn vào của lợn con sau cai sữa, đồng thời giữ cho chúng khỏe mạnh mà không cần điều trị bệnh tiêu chảy sau cai sữa. Nếu thức ăn creep có sự khác biệt lớn so với khẩu phần ăn sau cai sữa, thì lợn con có thể sẽ không thích nghi kịp với khẩu phần sau cai sữa mặc dù chúng có thể đã đạt được lượng ăn vào cao (thức ăn creep) trước cai sữa.
Theo một nhóm nghiên cứu người Úc – tác giả Heo và cộng sự (Năm 2018), trong đó lợn con được cho ăn ba khẩu phần thử nghiệm: thức ăn tập ăn (CREEP), khẩu phần cai sữa (WEANER) hoặc khẩu phần ăn của lợn nái trước cai sữa cùng với việc bú sữa (SOW), nhưng sau cai sữa chúng đều được cho ăn khẩu phần cai sữa mà một số lứa đã được ăn trước cai sữa. Những lứa được cho ăn thức ăn creep trước cai sữa có tổng lượng ăn vào trước cai sữa cao nhất so với hai lô thử nghiệm còn lại mặc dù mỗi lô đều có số lợn con biết ăn tương tự (xem Hình 1).
Tuy nhiên, trong hai tuần đầu tiên sau cai sữa, lượng ăn vào của số lợn trước và sau cai sữa được cho ăn khẩu phần (Weaner) đã cao hơn so với hai nhóm còn lại, và có mức tăng trọng sau cai sữa cao hơn so với số lợn được cho ăn khẩu phần (Creep) (Xem hình 2.). Điều thú vị là, số lợn ăn khẩu phần (SOW) có mức tăng trọng trung bình trong hai tuần đầu tiên sau cai sữa và hiệu sử dụng thức ăn giữa tuần thứ 2 và thứ 5 sau cai sữa được cải thiện hơn so với hai nhóm lợn còn lại. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đã công bố về sự khác biệt đáng kể ở chiều cao nhung mao và độ sâu rãnh ruột tương ứng ở tá tràng và hồi tràng. Do đó, nghiên cứu này gợi ý rằng các chiến lược cho ăn trước cai sữa cũng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng đường ruột của lợn con sau cai sữa.
Các kết quả thử nghiệm trên đã gợi ý rằng điểm tương đồng giữa thành phần khẩu phần trước và sau cai sữa là yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến năng suất của lợn con sau cai sữa, yếu tố này có thể sẽ quan trọng hơn so với lượng ăn vào tuyệt đối của thức ăn rắn trước cai sữa. Mong rằng trong những năm tới sẽ có nhiều nghiên cứu hơn tập trung vào khẩu phần cai sữa chuyển tiếp giống như vậy để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về thành phần của khẩu phần này, hàm lượng dinh dưỡng cũng như thể hiện được khẩu phần có lượng ăn vào tối ưu. Đối với lợn con cai sữa khoảng 30 ngày tuổi, chúng ta biết rằng khả năng chúng có thể đạt được tổng lượng ăn vào trước cai sữa là 1 kg/con. Nếu chúng ta có thể đạt được điều này đối với 100% số lợn con cai sữa thì đây là một kết quả hài lòng!
Biên dịch: Ecovet Team (theo Pig333)
Nguồn tin: Ecovet