Tùy thuộc vào khí hậu, đất đai, điều kiện sản xuất và thị trường tiêu thụ của từng vùng để bố trí, lựa chọn giống chè trồng phù hợp, vừa đảm bảo về năng suất, chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cây giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được nhân giống tại những cơ sở có giấy phép đủ điều kiện sản xuất giống do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Quản lý đất
- Định kỳ phân tích đất, đánh giá các nguy cơ về hoá học, sinh học và vật lý do sử dụng phân bón, chất phụ gia và các nguy cơ tiềm ẩn trong đất, trong giá thể và nguy cơ ô nhiễm, xói mòn, thoái hoá đất để có biện pháp khắc phục.
- Không chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước trong vùng trồng chè. Nếu có điều kiện chăn nuôi thì phải bố trí chuồng trại hợp lý và có biện pháp xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm cho sản phẩm chè và môi trường chung.
3. Phân bón và chất phụ gia
- Chỉ sử dụng phân bón, chất bổ sung được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và nhu cầu của cây chè dựa trên kết quả phân tích các chất dinh dưỡng có trong đất. Nếu sử dụng phân gia súc, gia cầm thì phải ủ hoai mục và kiểm soát vi sinh vật theo quy định.
- Các loại phân bón và chất bổ sung phải giữ nguyên trong bao bì; nếu đổi sang bao bì, vật chứa khác, phải ghi rõ và đầy đủ tên, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng như bao bì ban đầu và bảo quản theo quy định để tránh nguy cơ một số chất tăng nhiệt độ hoặc gây cháy, nổ.
4. Nước tưới
- Nguồn nước tưới phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành, chỉ sử dụng nước được xác định không bị ô nhiễm hóa chất và vi sinh vật độc hại.
- Không sử dụng nguồn nước thải công nghiệp; nước thải từ lò giết mổ gia súc, gia cầm; nước phân tươi chưa qua sử lý... để tưới cho chè.
- Áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm để tránh lãng phí nguồn nước, chú trọng xây dựng, bảo trì nguồn cung cấp nước và hệ thống dẫn tưới.
5. Bảo vệ thực vật và sử dụng hoá chất
- Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) hoặc quản lý cây trồng tổng hợp (ICM). Trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu, bệnh hại chè phải là thuốc có trong Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng bao gồm: Đúng thuốc; đúng lúc; đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách.
- Lập danh mục chi tiết các loại thuốc bảo vệ thực vật dự kiến đưa vào sử dụng trong sản xuất chè, khi sử dụng thuốc BVTV phải có biện pháp ngăn chặn sự phát tán của thuốc ra ngoài khu vực cần phun và có biện pháp cảnh báo khu vực mới phun thuốc...
- Trường hợp lưu trữ, sử dụng các loại nhiên liệu như: Xăng, dầu và hóa chất khác phải đảm bảo các chất đó được phép sử dụng cho cây chè tại Việt Nam, không gây ô nhiễm sản phẩm chè và môi trường xung quanh, an toàn cho người lao động và thực hiện đúng các quy định về phòng chống cháy nổ.
6. Thu hoạch, bảo quản chè búp tươi
- Trước khi thu hái sản phẩm chè búp tươi, cần kiểm tra việc đảm bảo đủ thời gian cách ly đối với thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc và các quy định hiện hành.
- Lựa chọn thời điểm, dụng cụ thu hái và nơi bảo quản phù hợp, sạch sẽ để bảo đảm chất lượng sản phẩm chè búp tươi và kịp thời vận chuyển đến cơ sở chế biến trong thời gian ngắn nhất.
7. Quản lý rác thải, chất thải
Không tái sử dụng các bao bì, thùng chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất để chứa đựng sản phẩm chè. Rác thải trong quá trình sản xuất, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật... sau sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ngoài các nội dung nêu trên, các tổ chức và cá nhân sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP phải thực hiện nghiêm quy định về bảo hộ lao động và sức khỏe của người sản xuất nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm cho sản phẩm...; đồng thời ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất và lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 12 tháng tính từ ngày thu hoạch để phục vụ việc kiểm tra nội bộ theo quy định và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm hoặc khi có khách hàng khiếu nại.
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Đề nghị người sản xuất chè thực hiện tốt để đạt hiệu quả kinh tế cao./.
Trung tâm Khuyến nông