Men theo con đường bê tông trải nhựa phẳng lỳ, trong cơn mưa phùn những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chúng tôi tìm về làng đào Vĩnh Lợi, nơi được xem là “thủ phủ” trồng đào ở huyện Sơn Dương. Ở đây có hàng nghìn gốc đào và các loại đào phục vụ người dân chơi Tết. Những năm gần đây, từ “thủ phủ” trồng đào này, đã được người dân Tuyên Quang và các tỉnh lân cận ưa chuộng.
Đồng chí Tạ Xuân Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi hồ hởi chia sẻ: Đào Vĩnh Lợi bây giờ là nhất đấy. Đã bao năm, người dân gắn bó với nghề trồng đào, cho thu nhập rất cao.
Các nhà vườn ở Vĩnh Lợi hối hả thực hiện công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2025.
Nghề trồng đào ở Vĩnh Lợi không phải xa xôi gì lắm, chỉ vài chục năm trở lại đây. Theo những cụ cao niên ở đây thì khi lớn lên họ đã thấy trước vườn nhà các cây đào hé nụ khoe sắc, ngày Xuân hoa thắm, lộc biếc xanh, ra Giêng trẻ con háo hức được ăn quả. Cây đào đã trở thành hình ảnh thân quen của vùng quê Vĩnh Lợi. Thế rồi có nhiều người đến Vĩnh Lợi, thấy đẹp đã xin cắt cành về thưởng ngoạn vẻ đẹp của sắc đỏ phai. Dần dà nhiều nhà đã biết cắt những cành đào ra phiên chợ cuối năm bán. Khi trở thành hàng hóa, người dân bắt đầu trồng thành vườn, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm cho cây tốt, hoặc hãm cây đào lớn vừa phải và cho trổ hoa đúng vào dịp Tết cổ truyền để bán cho khách hàng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Cầu Cháy là một trong những hộ tiên phong trong việc đưa cây đào trở thành sản phẩm thương mại và là hộ có số lượng gốc, cành đào lớn nhất với cả trăm gốc. Anh Thanh vui vẻ kể “Để có được vườn đào hơn 500 gốc, cành này là cả một quá trình. Ban đầu cũng chỉ là thú vui, sau nữa là muốn nhiều người cùng được thưởng thức vẻ đẹp kiêu sa thanh nhã của cành đào trong dịp Tết đến, Xuân về, vừa để tăng thu nhập. Trung bình mỗi năm, chúng tôi cũng thu được trên 100 triệu đồng từ cây đào, trừ khi thương lái mua cả vườn còn lại chúng tôi bán lẻ cho du khách thập phương”.
Anh Thanh cũng vui mừng khi thông báo rằng thương hiệu đào Vĩnh Lợi đã được khắp vùng biết đến. Người gần thì đến xem để mua trực tiếp, người ở xa thì bà con quay clip, thỏa thuận mua bán qua mạng trước khi chuyển đào đưa đi các tỉnh, thành. Năm nào cũng vậy, đến 25-12 (âm lịch) đa số các hộ trồng đào trong xã đều không còn đào để bán.
Hiện Vĩnh Lợi có hàng trăm hộ trồng đào, diện tích gần 5 ha, tập trung ở thôn Gò Hu, Cầu Cháy, Hồ Sen. Hộ nhiều nhất có tới 400 - 500 gốc, hộ vừa cũng có tới 200 gốc, gia đình nào ít cũng có vài chục gốc. Hàng năm, độ trung tuần tháng 10 âm lịch, lái buôn đã về ngắm vườn để đặt mua sỉ, có người đặt cả trăm gốc. Với hơn 14.000 cành, gốc đào, ước tính giá trị đào toàn xã năm nay khoảng hơn 4 tỷ đồng. Cây đào không chỉ giúp vùng quê nghèo trở nên trù phú, nâng cao đời sống người dân mà còn giúp tiếng tăm Vĩnh Lợi vang xa cả nước.
“Nhật ký” nghề trồng đào
Mưa mỗi lúc càng dày hạt, ngồi trò chuyện với người trồng đào ở Vĩnh Lợi mới thấy được nghề trồng đào cũng lắm công phu. Đất và khí hậu làng Vĩnh Lợi được coi là phù hợp với đào nên cây sinh trưởng tốt. Thế nên thoạt nhìn cứ tưởng nghề trồng đào ở đây thật dễ dàng, cứ trồng lên cây sẽ sống và ra hoa đúng dịp. Thực ra không phải thế, để có được cây, cành đào ưng ý trưng trong ngày Tết, quả thật tốn khá nhiều công sức!
Thương hiệu đào Vĩnh Lợi chủ yếu là giống đào bích, đào phai cánh kép có từ 20 - 28 cánh.
Bén duyên với nghề trồng đào bích, đào phai phục vụ Tết đến nay đã được hơn 20 năm, với anh Nguyễn Văn Nhân, thôn Cầu Cháy mỗi mùa hoa đều lưu dấu vào ký ức như những trang nhật ký. Anh Nhân kể: Trồng một cây con cho đến khi có cành to, đẹp, phải mất 2 - 3 năm. Đối với những gốc đào đẹp, có thể để 3 - 4 năm mới đào bán. Việc chăm sóc cây cũng rất tỉ mỉ, cẩn thận xuyên suốt cả năm. Với những cây đào thế, việc chăm sóc càng phải đầu tư lớn và cầu kỳ uốn nắn từng cành ngay từ khi còn nhỏ. Khó nhất là làm thế nào để cây đào thế đến ngày Tết trên cành có “tứ lộc”: nụ, hoa, lộc và quả.
Những cây đào thế như thế này thường dành cho những khách hàng “khó tính” và có tiền. Muốn cây đào có một lúc “tứ lộc”, người trồng đào cần phải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Anh Nhân cho biết bí quyết: Người trồng đào phải biết cách đầu tư đúng lúc, hãm cây cho đúng thời kỳ, phải uốn cành, tạo thế, dáng cho phù hợp. Muốn cây đào có ít quả vào dịp Tết, phải điều chỉnh cho một lứa hoa nở vào đầu tháng 11. Nếu thời tiết rét đậm kéo dài, phải tuốt lá sớm, để đào nở hoa vào dịp Tết. Nếu thời tiết ấm áp, buộc đào phải nở hoa sớm, không thể hãm được. Năm nào thời tiết không ủng hộ, khiến đào không nở hoa vào dịp Tết, thì năm đó người trồng đào thất thu.
Trồng đào thế cần phải công phu là vậy, nhưng với đào trồng tự nhiên cần rất ít công chăm sóc. Ông Nguyễn Văn Đông, thôn Gò Hu, chủ vườn đào 200 gốc, cành bộc bạch: Đào trồng tự nhiên chủ yếu là bán cành. Sau khi thu hoạch xong, thu dọn vệ sinh xung quanh gốc đào cho sạch, dùng phân chuồng hoai, trộn một ít phân đạm, rắc trên mặt đất (rễ đào ăn nông dưới mặt đất). Khi gốc đào đâm chồi, cắt bỏ những chồi nhỏ yếu, chọn những chồi to khỏe để lại chăm sóc, cho phát triển một cách tự nhiên, không cần phải mất công tạo thế. Dịp gần Tết, vệ sinh vườn đào sạch sẽ, kết hợp với việc xử lý đào ra hoa cho đúng dịp, tạo ấn tượng cho khách hàng đến mua đào. Nghề trồng đào vì thế tuy trầm lặng nhưng chứa đựng niềm vui riêng. Niềm vui đó không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình, mà còn góp phần tô thắm thêm vẻ đẹp của mùa Xuân đến từng gia đình.
Theo đánh giá của nhiều chủ vườn, năm nay thời tiết có nhiều thuận lợi cho việc trồng đào và đào sẽ ra hoa đúng dịp. Chất lượng đào năm nay đẹp hơn năm trước, nhiều kiểu dáng, đáp ứng được nhu cầu của người chơi. Thương lái ở các nơi đã bắt đầu đến các vườn đào để tham quan, đặt mua đào về bán dịp Tết. Giá đào năm nay sẽ dao động từ 150.000 - 300.000 đ/cành, những gốc cổ thụ, dáng đẹp, thế uốn lượn giá từ 2 - 5 triệu đồng/gốc.
Rời những vườn đào đang vào độ khoe sắc, trong tôi vẫn còn hồi tưởng nhiều câu chuyện mà người trồng đào ở đây đã kể lại. Có cả niềm vui, nỗi lo lắng, thấp thỏm... Vẫn biết ở Tuyên Quang cũng có một số nơi trồng đào kinh doanh, nhưng sức hút của làng đào Vĩnh Lợi không kém phần, thậm chí là vượt trội. Sự nổi tiếng đó, thể hiện qua vẻ đẹp riêng của hoa đào và cái thế của từng cây đào do con người nơi đây tạo ra. Bởi thế “thương hiệu” đào Vĩnh Lợi được khách hàng từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Giang, Thái Nguyên, Hà Nội… tìm đường đến mua về trưng ngày đón Xuân, vui Tết. Niềm mong mỏi của người dân Vĩnh Lợi là sớm được tỉnh công nhận làng nghề trồng đào, để sản phẩm đào ở đây ngày càng khấm khá hơn!.
Lý Thu