Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng nhấn mạnh vị thế tối thượng của Nhân dân trong xã hội mới.
Nông dân huyện Sơn Dương phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thực hành dân chủ theo Di chúc của Người, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể thấy rõ nhất qua việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp xúc, đối thoại với dân. Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân, các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng được lịch tiếp dân định kỳ hằng tháng, ngoài ra còn có những cuộc đối thoại theo chuyên đề, đột xuất hoặc nhóm đối tượng. Trong đó, tập trung lựa chọn vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích, đời sống và sinh hoạt của người dân để đưa vào chương trình đối thoại.
Trong các buổi đối thoại, với tâm lý cởi mở, thoải mái của cả người đối thoại và người được đối thoại đã mở ra rất nhiều vấn đề, giải quyết được nhiều vấn đề mà người dân quan tâm, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng những công trình trọng điểm của tỉnh. Điển hình như thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, cấp ủy, chính quyền các cấp đặt mục tiêu công khai, minh bạch các chủ trương, kế hoạch thu hồi, chính sách đền bù... đến tất cả mọi người dân, đặc biệt là các hộ dân chịu sự tác động của dự án. Theo đó, tổng số toàn tuyến đường Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có khoảng 2.493 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất và tài sản trên đất. Trong đó, có 521 hộ gia đình, cá nhân ở Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang thuộc diện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang... Với việc chủ động các biện pháp tuyên truyền, đặc biệt là thực hiện tốt quy chế dân chủ, luôn công khai minh bạch các thông tin về dự án, các chính sách đền bù đã giúp người dân vùng dự án hiểu và hầu hết đồng thuận cho việc triển khai thực hiện dự án.
Qua những buổi tiếp xúc cử tri, cũng là dịp để các cấp ủy, chính quyền tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, để làm cho mọi tầng lớp Nhân dân nhận thức được quyền lợi nghĩa vụ của mình trong phong trào xây dựng NTM, cấp ủy chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Nhờ sự tích cực tuyên truyền, “mưa dầm thấm lâu”, người dân đã hiểu chủ thể xây dựng và chủ thể thụ hưởng đều là Nhân dân, Nhà nước chỉ có một số chính sách hỗ trợ mang tính kích cầu. Từ đó huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, khơi dậy sự hưởng ứng tham gia của toàn cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó nổi bật nhất là việc người dân tham gia đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, làm nhà văn hóa thôn bản, xây dựng sân thể thao...
Qua đó kết quả phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tỉnh hiện có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến hết năm 2024 đường thôn sẽ được bê tông hóa đạt trên 80%, đường nội đồng sẽ bê tông hóa đạt trên 65% gỡ “nút thắt” cho giao thông nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại địa phương...
Triển khai thực hiện quy chế dân chủ gắn với cải cách hành chính, toàn bộ 141 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”. Các xã, phường đã niêm yết các thủ tục hành chính, trình tự và các thủ tục giải quyết, công khai các dự án công trình đầu tư của nhà nước trên địa bàn, các chính sách an sinh xã hội, các chủ trương, kế hoạch vay vốn hỗ trợ phát triển kinh tế; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân...
Trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp luôn duy trì thực hiện công khai, dân chủ để cán bộ công chức được biết, tham gia ý kiến và giám sát kiểm tra kế hoạch công tác, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Qua đó đã phát huy tinh thần trách nhiệm, thay đổi lề lối làm việc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thực hành dân chủ rộng rãi theo di huấn của Người
Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” trong Đảng là con đường tốt nhất để củng cố và phát huy trí tuệ tập thể, giúp mọi đảng viên, cán bộ đoàn kết, hiểu nhau và cùng hướng tới mục tiêu chung.
Cán bộ, công chức Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tham gia làm đường bê tông nông thôn tại thôn Tân Hoa, xã Bình An (Lâm Bình).
Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội. Do đó, đòi hỏi phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ “then chốt” là xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức ngang tầm nhiệm vụ.
Để tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể các tầng lớp Nhân dân khắc phục khó khăn, xây dựng tinh thần đoàn kết, tác phong gương mẫu trong lao động và học tập, tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân là nhân tố quyết định tạo sự đồng thuận xã hội. Ở nông thôn, khi dân chủ được phát huy, thì mỗi nhà, mỗi người đều được bàn bạc, thấu hiểu để thực hiện tốt công việc chung, tình làng nghĩa xóm gắn bó bền chặt, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong đời sống. Ở khu phố, phát huy tốt dân chủ, người dân tham gia hiến kế, cùng xây dựng môi trường sống văn hóa, thân thiện, thì sẽ có những khu phố văn minh. Ở từng cơ quan, đơn vị, nơi nào phát huy tốt dân chủ, nơi đó chắc chắn sẽ có tập thể đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ góp phần phát huy được vai trò, sức sáng tạo của Nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên, tạo không khí dân chủ, đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết trong các tầng lớp Nhân dân để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra.
Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh
Đoàn kết - Sức mạnh bền vững toàn dân
Phát huy tinh thần đoàn kết theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm hướng mạnh về cơ sở. Nhờ đó, đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, khích lệ, động viên các tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện hiệu quả các Đề án 02 về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; Đề án 308 về xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, khích lệ các tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đã có gần 300.000 lượt cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, lực lượng vũ trang toàn tỉnh tích cực tham gia hoạt động với Nhân dân tại cơ sở; hỗ trợ làm mới, sửa chữa hơn 6.000 nhà tạm, dột nát; duy trì 195 km đường hoa; phát triển, duy trì 2.500 mô hình thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa, tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng hơn 600 mô hình điểm văn minh trong việc cưới, việc tang…
Những kết quả đạt được đã khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của MTTQ trong việc xây dựng khối đại đoàn kết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hữu Phương, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn
Lắng nghe nguyện vọng chính đáng của Nhân dân
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Sơn luôn quan tâm, phát huy dân chủ thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân giữa người đứng đầu chính quyền với Nhân dân.
Trung bình mỗi tháng địa phương tổ chức 2 buổi đối thoại với người dân, coi đây là diễn đàn để dân nói, dân đóng góp ý kiến và cũng là dịp để lãnh đạo địa phương lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi của người dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền. Có thể kể đến như việc xây dựng Nghĩa trang Thiên đường tại xã Lang Quán, tình trạng ô nhiễm môi trường từ khu xử lý rác thải tại xã Nhữ Khê… Sau khi được bàn bạc, thảo luận công khai, cởi mở, các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân đã được tháo gỡ. Qua đó, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng được niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đồng chí Nguyễn Chiến Trường, Bí thư Đảng ủy,
Chủ tịch UBND phường Ỷ La (TP Tuyên Quang)
Quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng theo Di chúc của Bác
Thực hiện Di chúc của Bác, những năm qua Đảng bộ phường Ỷ La luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương trong thực thi nhiệm vụ, tác phong làm việc. Hàng năm, Đảng ủy phường ban hành Kế hoạch về sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); ban hành Kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chỉ đạo các chi bộ, cán bộ, đảng viên đăng ký, cam kết làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng những việc làm cụ thể, gắn với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên... Nhờ đó, hằng năm Đảng bộ, chính quyền phường Ỷ La luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 100% chi bộ trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ; trên 98% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chị Trần Thu Huynh, Bí thư Đoàn xã Đông Lợi (Sơn Dương)
Phát huy vai trò đoàn viên thanh niên
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn xã Đông Lợi đã phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên nỗ lực học tập, lao động để trau dồi, nâng cao tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sống và làm việc…
Cụ thể hóa lời dạy của Bác, từ năm 2023 đến nay, Đoàn xã đã đảm nhận thực hiện hàng trăm công trình, phần việc thanh niên ý nghĩa như: Công trình vườn hoa thanh niên; tuyến đường hoa thanh niên tại thôn An Khang; điểm vui chơi thanh thiếu nhi tại thôn Nhà Xe, công trình “Thắp sáng đường quê”, tuyến đường “Sáng - Xanh - Sạch đường quê nông thôn mới”; trao tặng “Ngôi nhà nhân ái”, “Ngôi nhà Khăn quàng đỏ”, “Ngôi nhà 26/3”, ngôi nhà 15/10 cho thanh thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… tổng kinh phí trên 230 triệu đồng.
|
Minh Tuyên