Chuyện trồng lúa hữu cơ với anh Ma Xuân Nhất không phải chuyện… tự nhiên mà đến.
Năm 2020, khi Sơn Dương xây dựng các mô hình sản xuất sạch, bao gồm lúa, chè trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, Minh Thanh - cùng với xã Tân Trào, Hợp Hòa - được lựa chọn xây dựng mô hình điểm.
Cánh đồng lúa 5% của Minh Thanh nằm ven hồ Ngòi Cò được UBND xã cho Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh thầu lại để triển khai. Sau 4 vụ chuyển đổi, đất ruộng bắt đầu quen với lối canh tác thuần khiết, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh bắt tay vào sản xuất sạch.
Để sản xuất hữu cơ, Ma Văn Nhất cùng các thành viên Hợp tác xã cho đắp lại bờ bao chắc chắn để cách ly, ngăn phân thuốc từ các ruộng bên cạnh theo nước tràn sang. Đất ruộng sử dụng phân bón hóa học lâu năm phải được xử lý bằng phân hữu cơ vi sinh trong 4 vụ liên tiếp. Suốt thời gian chuyển đổi, Hợp tác xã gần như không sản xuất mà để cho đất nghỉ và tái tạo.
Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh và sản phẩm gạo hữu cơ La Khai.
Kể chuyện trồng lúa hữu cơ, anh Nhất cười: Ai cũng cản mình, bởi cái khó, cái khổ, cái… đầu tiên rất nhiều. Trước khi xuống giống, đất được cày sâu, bừa nhuyễn. Trước khi cấy lúa, phân hữu cơ, vi sinh được bón lót thay vì phân hóa học. Sau khi cây lúa bén rễ, bắt đầu nảy nhánh, phát triển lá, làm đòng và trổ bông, lúa được bón lần lượt 5 lần phân hữu cơ vi sinh.
Giai đoạn đầu, đất còn cằn, sâu rầy côn trùng gây hại kéo đến nhiều, ruộng lúa gần như không có năng suất. Giữa lúc cả vùng quê thiếu lao động, nhà nhà làm nông nghiệp theo đúng tiêu chuẩn nhanh, gọn, lẹ thì mình quay về sản xuất theo lối “ông bà anh”. Phân bón ruộng hoàn toàn bằng phân chuồng, làm cỏ bằng tay, diệt sâu hại bằng chế phẩm sinh học, rồi thủ công luôn…
Một sào ruộng bình thường người ta chỉ mất 1 công lao động cho 1 nhiệm vụ, ruộng nhà mình mất 2 - 3 công. Đã thế, năng suất lúa hoàn toàn không đạt như ruộng sản xuất thông thường. 3 ha lúa sản xuất theo điều kiện thường, đạt 30 tấn thóc, thì 3 ha của mình chỉ đạt hơn một nửa.
Nhưng dần dà, khu vực sản xuất lúa hữu cơ của Hợp tác xã không có mùi phân thuốc hóa học, cua cá, vi sinh vật, côn trùng thiên địch kéo về sinh sôi nảy nở tạo thành quần thể cân bằng, tự kiểm soát nhau.
Khu vực sản xuất lúa hữu cơ của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh.
Khởi nguồn ở nơi... khởi nguồn
Thành công của mô hình trồng lúa hữu cơ ở Minh Thanh là bước đầu tạo ra một mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, có sản phẩm sạch và chất lượng, tiêu chuẩn.
Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh Ma Xuân Nhất cười tự tin: Cùng thời điểm sản xuất lúa hữu cơ, đến giờ, chỉ còn mô hình trồng lúa hữu cơ của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh duy trì. Không những vậy, mô hình đã tăng diện tích từ 3 ha lên 5 ha, nhờ sự hưởng ứng, làm theo của những hộ dân xung quanh.
Không phải bỗng dưng, mà những người nông dân ở Minh Thanh quên đi câu chuyện năng suất để tập trung vào việc sản xuất theo một quy chuẩn hết sức khắt khe. Điều đó thực sự khó thay đổi đối với những nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn. Tất cả có được, đều nhờ “chiếc gương sáng” mà những người tiên phong như anh Nhất tạo ra.
Không phân bón hóa học, đất ruộng 5% mà Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh thầu lại ngày càng giàu dinh dưỡng, ruộng của các hộ dân xung quanh, gần như không có vi sinh vật nào, nhưng ruộng của Hợp tác xã ngày càng nhiều vi sinh vật có lợi. Sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng thơm ngon hơn, cơm dẻo ngọt hơn. Điều quan trọng là thông qua mô hình đã giúp người nông dân tạo được sản phẩm an toàn hơn, trong quá trình thực hiện mô hình từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch nông dân luôn cảm thấy an tâm, không lo sợ độc hại khi chăm sóc lúa.
Sản phẩm Gạo hữu cơ La Khai tham gia xúc tiến thị trường.
Để bắt đầu cho vụ mùa này, từ 3 tháng trước, anh Ma Xuân Nhất đã phải hợp đồng với các trang trại chăn nuôi trâu bò, gà trong huyện để thu mua phân chuồng, rồi đặt riêng một cửa hàng phân bón ở trung tâm huyện mua chế phẩm sinh học về ủ phân, ủ thuốc. Đây là việc mà anh bền bỉ từ năm 2020, ngay khi bắt tay vào làm mô hình lúa hữu cơ. Khi diện tích lúa hữu cơ của Minh Thanh tăng từ 3 ha lên 5 ha, anh Nhất có thêm việc đặt hàng nguồn phân chuồng, chế phẩm sinh học cho các hộ dân khác.
Sản phẩm Gạo hữu cơ của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh được đặt tên là La Khai, ghép của Thanh La và Minh Khai, tên cũ của xã Minh Thanh ngày nay. Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh Ma Xuân Nhất khẳng định, mình là người con của nơi khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và phát xít Nhật. Việc xây dựng và duy trì sản phẩm lúa hữu cơ đầu tiên của cả tỉnh, như là cách để mình khẳng định niềm tự hào và quyết tâm khởi nguồn một mô hình sản xuất sạch từ chính nơi khởi nguồn cách mạng này.
Từ việc “chặc lưỡi” làm để có mô hình, sản phẩm Gạo hữu cơ La Khai hiện đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, được bán với giá 25 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi so với gạo sản xuất thông thường. “Nhưng năng suất, sản lượng này vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường, bởi vậy, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh hiện đang hoàn thiện các thủ tục chứng nhận lại sản phẩm hữu cơ và tiếp tục vận động người dân nhân rộng diện tích sản xuất” - anh Nhất chia sẻ.
Mong muốn lớn nhất của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh hiện nay là được tích tụ ruộng đất, có như vậy, việc áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn hữu cơ, cộng với cách ly với khu vực sản xuất thông thường được đảm bảo hơn.
Trần Liên