Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam chủ trì hội nghị.
Cùng dự và chủ trì hội nghị còn có ông Nguyễn Hồng Hải – Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án; bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên quốc gia các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu Liên Hợp Quốc.
Nâng cao nhận thức cho hơn 5.000 cán bộ Hội Nông dân
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết: Nhận thấy tầm quan trọng trong việc tăng cường hỗ trợ người nông dân nhất là các nông dân trẻ trong khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia chương trình OCOP và chủ động đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập quốc tế, tháng 6/2020, Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Đề án số 03 về "Nâng cao vai trò cùa Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020-2025". Tuy nhiên, điểm khó khăn, hạn chế của Đề án này là thiếu nguồn lực để triển khai các nội dung, giải pháp. Vì vậy, cần sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhất là các tổ chức quốc tế.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc và Quỹ Môi trường toàn cầu triển khai dự án Nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ và hội viên nông dân về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tích cực tham gia chương trình OCOP tại các địa phương nhằm xây dựng năng lực cho cán bộ, hội viên, nông dân về khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số gắn với Chương trình OCOP.
Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho hơn 5.000 cán bộ Hội Nông dân từ Trung ương đến cơ sở về khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số, về chương trình OCOP thông qua tập huấn chuyên đề và những sản phẩm tuyên truyền của Dự án.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải – Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đã báo cáo tổng kết dự án. Theo đó, Dự án được triển khai tại 10 tỉnh, thành: Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bình Định, Bạc Liêu và Cà Mau.
Dự án được triển khai từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2024. Trong quá trình triển khai, Dự án đã tổ chức được 10 chương trình, hoạt động thiết thực như tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số, hội nghị đối thoại, điễn đàn… có sự tham gia của đông đảo các cấp cán bộ Hội viên nông dân.
Thông qua các diễn đàn trao đổi, tập huấn, nông dân đã được tìm hiểu về tình hình sản xuất nông nghiệp, vai trò của nền nông nghiệp trong nước và quốc tế trong bối cảnh hiện đại; những chính sách nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, sáng tạo; cách thức Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và từng bước tham gia kinh tế số; khái quát về tình hình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Ra mắt cuốn cẩm nang cho cán bộ, hội viên, nông dân
Đặc biệt, thực hiện Dự án, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc đã biên soạn và phát hành cuốn Cẩm nang "Hướng dẫn nâng cao nhận thức về phát triển cộng đồng, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và vai trò của Hội Nông dân trong triển khai chương trình OCOP". Cuốn cẩm nang tài liệu bao gồm 4 phần: Phát triển cộng đồng; Khởi nghiệp sáng tạo; Chuyển đổi số; Triển khai Chương trình OCOP.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý tưởng giai đoạn hoạt động tiếp theo. Các đại biểu đã thống nhất với nội dung và đánh giá cao các kết quả đạt được của Dự án cũng như đánh giá cao chất lượng, hiệu quả, giá trị của cuốn cẩm nang.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang khẳng định: "Kết quả tích cực mang lại của Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia phát triển các sản phẩm OCOP tại địa phương. Đặc biệt, một trong những sản phẩm của Dự án là cuốn cẩm nang hướng dẫn rất bổ ích, thiết thực với cán bộ, hội viên nông dân. Cuốn cẩm nang này kho tài liệu rất quý báu và thiết thực đối với cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cán bộ, hội viên nông dân cả nước nói chung.
Bà An cho biết thêm: Hiện nay, cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Tuyên Quang đang tham gia thực hiện rất tốt dự án xử lý rác thải thành phân bón tại nguồn. Tuyên Quang có 65% độ che phủ rừng, phát triển lâm nghiệp khá mạnh mẽ. Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang rất mong muốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Quỹ Môi trường toàn cầu Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo cho nông dân.
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải - Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị.
"Qua ý kiến của các đại biểu đã thống nhất cao quan điểm, xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tất yếu khách quan. Hội Nông dân phải là cầu nối dẫn dắt, tạo nền tảng để cán bộ, hội viên nông dân tham gia chuyển đổi số và chuyển đổi số là con đường đặc biệt quan trọng trong hội nhập quốc tập. Các cấp Hội Nông dân mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên nông dân tham gia khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia phát triển chương trình OCOP tại địa phương" – ông Hải nhấn mạnh.
Đức Thịnh