Nhờ nguồn vốn của Agribank, ông Nguyễn Văn Cường, thôn An Lịch, xã Đông Lợi (Sơn Dương) phát triển hiệu quả mô hình kinh tế trang trại tổng hợp.
Ông Nguyễn Văn Cường, thôn An Lịch, xã Đông Lợi (Sơn Dương) cũng đang làm giàu nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn của Agribank Tuyên Quang. Theo ông Cường, gia đình có trang trại tổng hợp trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, tuy nhiên do nguồn vốn hạn hẹp nên việc đầu tư hạn chế, hiệu quả kinh tế không cao. Trong lúc khó khăn, Agribank tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ông Cường phấn khởi cho biết, với 100 triệu đồng vay từ Agribank, gia đình đã cải tạo được hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho 3 ha bưởi. Ông Cường khẳng định có vốn, đầu tư vào sản xuất không những giảm được công sức lao động còn nâng cao được hiệu quả kinh tế.
Đồng chí Phạm Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lợi (Sơn Dương) cho biết, dư nợ của Agribank trong dân đầu tư phát triển kinh tế đạt gần 40 tỷ đồng. Đây là tổ chức tín dụng có số dư nợ lớn nhất trên địa bàn xã. Từ nguồn vốn của Agribank đã tiếp thêm lực để các hộ, trang trại phục hồi, phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, giữ vững và tăng tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài cho vay phát triển kinh tế, nguồn vốn của Agibank đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn của xã.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 1555/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Agribank triển khai và thực hiện hiệu quả chính sách cho vay theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Báo cáo của Phòng Dịch vụ - Maketing Agribank Tuyên Quang, Agribank đã tập trung nội lực, ưu tiên các nguồn vốn giá rẻ để cho vay tại 77 xã xây dựng nông thôn mới, với 27.967 khách hàng vay vốn. Dư nợ đến hết tháng 2-2024 tại các xã xây dựng nông thôn mới là 4.472 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước với 3.491 khách hàng, dư nợ tăng thêm 940 tỷ đồng.
Đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả, Agribank đã tổ chức khảo sát tình hình kinh tế - xã hội tại các địa phương, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá những thế mạnh, hạn chế của từng địa phương, nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, để có giải pháp mở rộng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để phát triển kinh tế trên địa bàn; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các ban, ngành liên quan tại địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân chính sách tín dụng... Nguồn vốn vay của Agribank tập trung chủ yếu vào các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương, bám sát 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đánh giá của Agribank Tuyên Quang dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt; nợ xấu ở mức thấp.
Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn. Những kết quả đã đạt trong việc đầu tư cho vay xây dựng nông thôn mới của Agribank là minh chứng rõ nét cho những đóng góp quan trọng của ngân hàng cho sự phát triển kinh tế địa phương, thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương.
Bài, ảnh: Đoàn Thư