1. Tuyên truyền về Đại hội đại biểu đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới; hưởng ứng các công trình, phần việc cụ thể, thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.
2. Hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025”.
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025”. Cuộc thi nhằm tuyên truyền giúp cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh hiểu, nắm chắc thêm về những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh; đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh nghiên cứu phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu giai đoạn 2020-2025 được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Qua đó, nâng cao nhận thức và phát huy những kinh nghiệm để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân.
Cuộc thi được triển khai trực tuyến trên mạng Internet theo 4 đợt; bắt đầu từ ngày 01/7 đến ngày 31/7/2020. Mỗi đợt thi, Ban tổ chức cuộc thi đưa ra 10 câu hỏi trắc nghiệm tìm hiểu về những nội dung cơ bản được nêu trong dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; mỗi câu hỏi có 04 đáp án, trong đó có 01 đáp án đúng. Người tham gia trực tiếp trả lời câu hỏi tại phần mềm trực tuyến Cuộc thi trên Trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh (http://hoinongdantuyenquang.org.vn); Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang (http://tuyenquang.gov.vn) hoặc trên Báo Tuyên Quang điện tử (http://baotuyenquang.com.vn). Đối tượng tham gia dự thi là cán bộ, hội viên, nông dân và con em hội viên, nông dân từ đủ 18 tuổi trở lên cư trú trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu, giá trị giải thưởng: có 04 giải thưởng, bao gồm 01 giải Nhất: trị giá 2.000.000 đồng; 02 giải Nhì: mỗi giải trị giá 1.500.000 đồng; 03 giải Ba: mỗi giải trị giá 1.000.000 đồng; 05 giải Khuyến khích: mỗi giải 500.000 đồng.
Tài liệu tham khảo: Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Bản tin thông báo nội bộ (số 286, tháng 6/2020) chuyên đề Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành (Tài liệu đính kèm trên Trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh).
Hưởng ứng tham gia Cuộc thi, Hội Nông dân tỉnh triển khai và chỉ đạo các huyện, thành Hội, cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi; khuyến khích và tạo điều kiện để đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia dự thi.
3. Tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đầu năm 1945, Phát xít Đức, Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Ở trong nước, phong trào cách mạng dâng cao; Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tân Trào (Sơn Dương) được chọn làm căn cứ chỉ đạo cách mạng, chuẩn bị Đại hội quốc dân và thành lập Khu giải phóng Việt Bắc. Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; “Lệnh tổng khởi nghĩa”; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy khởi nghĩa, giành chính quyền.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng đã lãnh đạo cách mạng thành công. Từ đó, ngày 2-9 là Ngày Quốc khánh của nước ta. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Qua 75 năm, cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn và vượt qua nhiều thử thách lớn, giành thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ "Nước ta là một nước nông nghiệp..., muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy nông nghiệp làm gốc. Vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra". Người cho rằng nông nghiệp phát triển, lương thực, thực phẩm dồi dào, nông dân khá giả thì xã hội sẽ phồn vinh. Năm 2008, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo đó, vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn đã được đặt trong mối quan hệ phát triển toàn diện, hài hoà, đồng bộ với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã định hướng "xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu".
Trải qua 12 kỳ Đại hội, 35 năm thực hiện đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Đất nước trở thành nước đang phát triển. Kinh tế tăng trưởng khá; diện mạo đất nước và đời sống của Nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Nước ta từ một nước thường xuyên thiếu và đói, phải nhập khẩu lương thực, nay đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đảng ban hành nhiều chủ trương, chính sách đổi mới rất quan trọng trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và đời sống xã hội nông thôn. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam trong xu hướng phát triển của thời đại. Khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị của Cách mạng Tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 75 năm qua vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đai hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
4. Tuyên truyền thực hiện nội dung đột phá: Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa.
Ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp bách hiện nay. Rác thải nhựa (chai nhựa, túi nilon,…) có tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Tác hại của rác thải nhựa chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Sự tồn tại của nó trong môi trường có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm. Rác thải nhựa lẫn vào đất gây xói mòn đất, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng; trong môi trường nước làm tắc nghẽn cống, rãnh gây ứ đọng nước thải và ngập úng. Khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,...
Thực hiện nội dung đột phá của tỉnh các cấp Hội tích cực hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Phấn đấu 100% tổ chức Hội các cấp trong tỉnh không sử dụng túi nilon khó phân hủy, nước uống đóng chai nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị.
Nâng cao nhận thức về tác hại và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của rác thải nhựa; thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm túi nilon, chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường cho cán bộ, hội viên, nông dân. Vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện thu gom rác thải trong cộng đồng, khu dân cư, khu sản xuất; chống xả, thải rác thải nhựa ra môi trường, phân loại và xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường; lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường,…hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và thu gom rác thải vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định. Từng bước giảm và tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp.
5. Tuyên truyền các giải pháp thực hiện nội dung thực hiện “Dân vận khéo” năm 2020 của Hội Nông dân tỉnh: Vận động nông dân xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng tới thành lập Tổ hợp tác và Hợp tác xã.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; tạo các yếu tố tiền đề để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; thực hiện tốt Nghị quyết số 02-NQ/HNDT ngày 05/7/2019 của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh (khóa IX) về tham gia phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương giai đoạn 2019-2023. Thường xuyên tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân, đi trao đổi, tham quan, học tập kinh nghiệm hoạt động, mô hình phát triển kinh tế. Định kỳ tổ chức sinh hoạt và đánh giá kết quả thực hiện.
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh thực hiện nội dung đột phá và hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020); gắn với thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị quy định về Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư khóa XII về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
6.Tuyên truyềnvề hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ cho hội viên nông dân
6.1. Tiếp tục tuyên truyền hỗ trợ cung ứng máy nông nghiệp: nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh-Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn-Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên máy kéo và máy nông nghiệp Việt Nam (chi tiết tại Công văn số 353-CV/HNDT ngày 15/7/2019 về định hướng nội dung sinh hoạt chi hội quý III/2019 của Hội Nông dân tỉnh). Việc đầu tư máy móc đã giúp các hộ chủ động về khâu làm đất, trồng cấy đúng thời vụ; có thêm thu nhập khi đi cày đất thuê.
6.2. Tiếp tục tuyên truyền về chương trình phối hợp mua chung hàng hóa: nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và Công ty Cổ phần đầu tư và bán lẻ BT (Gọi tắt là Công ty BTG) triển khai mua chung sản phẩm dầu ăn nhãn hiệu Otran; nước mắm truyền thống, nước giặt, nước rửa chén thương hiệu Noda đến tận tay hội viên, nông dân của 7/7 huyện, thành phố trên toàn tỉnh. Hiện nay chương trình “Mua chung hàng hóa” vẫn tiếp tục được triển khai rộng rãi đến toàn thể hội viên, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh với các gói hàng thiết yếu theo từng đợt, mỗi gói hàng combo trị giá 110.000 đồng/gói hàng (01 chai dầu ăn Otran 2lít + 01 chai nước mắm truyền thống 2lít) và các mặt hàng thiết yếu khác theo nhu cầu tiêu dùng như: Nước giặt, nước rửa bát, nước rửa tay ... Mọi chi tiết liên hệ với đồng chí Lê Hoàng - Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, điện thoại: 0975 835 455.
6.3. Tiếp tục tuyên truyền về sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri để xử lí rơm rạ sau thu hoạch (chi tiết tại Công văn số 633-CV/HNDT ngày 20/01/2020 về định hướng nội dung sinh hoạt chi hội quý I/2020 của Hội Nông dân tỉnh)
Vụ Hè - Thu năm 2020, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã triển khai cung ứng 3.200 gói chế phẩm vi sinh SUMITRI của Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Phương Nam (Padco) để xử lí rơm rạ sau thu hoạch. Kết quả ở một số ruộng sử dụng sớm sản phẩm cho thấy, sau khoảng 10-12 ngày sử dụng, lượng rơm rạ trên mặt ruộng đã hoai mục thành phân hữu cơ vi sinh, tỷ lệ cỏ dại giảm 80-85%. Với những lợi ích như vậy nên hiện nay nông dân trên toàn tỉnh đang áp dụng rộng rãi chế phẩm vi sinh SUMITRI trong việc xử lí rơm rạ.
Ban Biên tập