1. Quốc hội khóa XV đã họp: (1) Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể, toàn diện, xem xét, biểu quyết thông qua 6 Luật: (a) Luật Dầu khí; (b) Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; (c) Luật Thanh tra; (d) Luật Phòng, chống rửa tiền; (e) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và (g) Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và 13 Nghị quyết. (2) Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). (3) Kỳ họp bất thường lần thứ tư, Quốc hội khóa XV đã bầu đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XIII, đại biểu Quốc hội Khóa XV giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Ngày 28/02/2023, Hội Đồng nhân dân tỉnh khóa XIX đã tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ tư. Tại kỳ họp, đã xem xét thông qua 09 dự thảo nghị quyết, trong đó có: (1) Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. (2) Phân bổ vốn dự phòng đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022. (3) Phân bổ vốn (đầu tư phát triển, sự nghiệp) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023. (4) Phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023. (5) Phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. (6) Quy định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; một số nội dung và mức chi giảm nghèo về thông tin thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
3. Ngày 12/12/2022 Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Nội dung: (1) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nông thôn; quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam; là cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tác phong làm việc chuyên nghiệp cho lao động Việt Nam, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khi về nước. (2) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động, ưu tiên quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này khi hết hạn làm việc ở nước ngoài trở về tham gia thị trường lao động trong nước. (3) Tăng cường quản lý, bảo hộ công dân đối với lao động Việt Nam ở nước ngoài. Đàm phán, trao đổi thông tin với các nước về nhu cầu, quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam, bảo đảm có việc làm ổn định, tiền lương thoả đáng và an toàn. (4). Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát thực hiện công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
4. Tuyên truyền về kỷ niệm 62 năm Bác Hồ về thăm Tuyên Quang (19, 20/3/1961-19, 20/3/2023). Từ ngày 16-25/3/1961, Đảng bộ tỉnh tổ chức Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ III (vòng II). Trong thời gian Đại hội Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trung đoàn 246, Nông trường Sông Lô, Trường Thiếu nhi vùng cao và Tân Trào, nơi Người cùng Trung ương ở, làm việc, lãnh đạo tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp. Nói chuyện với Đại hội, Người nhấn mạnh: Nhiệm vụ của nước ta hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Đại hội phải bàn bạc kỹ, quyết định những nhiệm vụ lớn của địa phương. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người mới xã hội chủ nghĩa. Phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; bảo vệ rừng, đoàn kết, phải phát triển đảng viên. Phải phấn đấu thanh toán nạn mù chữ. Mỗi đảng viên phải gương mẫu, đầu tàu học tập văn hóa, kỹ thuật, nói đi đôi với làm. Không được ngại gian khổ. Cấp ủy phải đoàn kết, gắn bó, hăng hái làm việc và làm việc thật tốt. Ngày 20/3/1961, Đảng bộ và Nhân dân Tuyên Quang tổ chức mít tinh chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, Người nói: “Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay tôi chắc rằng đồng vào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà”. Ghi sâu lời dạy của Bác, 62 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Tuyên Quang luôn đoàn kết, chung sức cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước lập nhiều thành tích, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
5. Việc làm nổi bật của Hội Nông dân tỉnh năm 2022. Hội Nông dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vượt và đạt 11/11 chỉ tiêu; hoàn thành 18/18 việc theo kế hoạch; 5/5 việc phát sinh; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; trong đó nổi bật: (1) Công tác tuyên truyền đổi mới, tập trung tuyên truyền theo chủ đề, chủ điểm; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào tuyên truyền; 100% cấp Hội trong tỉnh có trang fanpage để đăng tải các hoạt động của Hội. Một số hoạt động lớn đã truyền hình trực tiếp qua Báo Tuyên Quang Online. (2) Chỉ đạo tổ chức Hội thi Nhà Nông đua tài lần thứ V, năm 2022; tham gia Hội thi Nhà Nông đua tài toàn quốc năm 2022 đạt giải ba; tổ chức Hội thi cán bộ Hội Nông dân cơ sở giỏi năm 2022. Tổ chức chương trình “Nhà nông tài ba” phát định kỳ hàng tháng trên kênh TTV. (3) Tập trung chỉ đạo tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023-2028; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, có trên 8.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia hoạt động tại cơ sở. (4) Thực hiện nhiệm vụ đột phá, đổi mới: (4.1) Hướng dẫn thành lập 04 chi hội nghề nghiệp; 43 tổ hội nghề nghiệp, nâng lên 35 Chi hội, 203 tổ hội. (4.2) Giúp 380 hộ nông dân thoát nghèo (đạt 275% KH): Hỗ trợ vay vốn, vay bò trả bê; thực hiện phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ dân tự làm”; vận động hội viên nông dân hỗ trợ 6.068 ngày công lao động, đóng góp tiền, vật liệu trị giá trên 509 triệu đồng giúp làm mới 268 nhà, sửa chữa 78 nhà cho hộ hội viên nông dân nghèo (đạt 167% kế hoạch). Xây dựng Quỹ“Mái ấm nông dân” được 279,6 triệu đồng giúp làm mới 01 nhà, sửa chữa 08 nhà. Hội Nông dân và Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động ủng hộ 1,9 tỷ đồng để làm mới 39/20 nhà (đạt 195%). (4.3) Vận động hội viên, nông dân xây dựng 1.022 hầm bể Biogas và công trình vệ sinh đạt chuẩn. (4.4) Thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”: đã xây dựng 45 mô hình phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn. (5) Chủ trì, phối hợp tổ chức thành công Hội nghị đối thoại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với nông dân Tuyên Quang. (6) Tổ chức tốt các hoạt động: Khánh thành công trình Nhà truyền thống di tích lịch sử Ban Nông vận Trung ương; đón tiếp và làm việc với Đoàn Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước. (7) Tổ chức hỗ trợ nông dân kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và chuyển đổi số: Tuần lễ “Quảng bá, tiêu thụ Cam sành Hàm Yên”, khai trương cửa hàng nông sản sạch; tổ chức 06 gian hàng với hơn 100 sản phẩm OCOP và sản vật đặc trưng của tỉnh nhân dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, khai mạc năm du lịch... Tham gia triển lãm Festival trái cây và sản phẩm OCOP năm 2022 tại tỉnh Sơn La, Hội chợ Thương mại-Du lịch Tuyên Quang năm 2022, Ngày Hội Tam Nông tại tỉnh An Giang. Tổ chức 130 hội nghị tập huấn hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho trên 6.500 cán bộ, hội viên nông dân; hỗ trợ đưa 44 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm du lịch trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, tạo 4.000 tài khoản mua, bán; xây dựng, vận hành Website "Giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản Tuyên Quang". Hỗ trợ nông dân tiêu thụ trên 19 tấn nông sản. (8) Tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư phân bón: Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tăng 3,676 tỷ đồng (đạt 105% KH) nâng số Quỹ lên 32,406 tỷ đồng. Phối hợp thực hiện tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cho vay trên 2.300 tỷ đồng. Cung ứng trên 1.200 tấn phân bón chậm trả cho Hội viên, nông dân. (9) Năm 2022 có 35.355 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; vận động hội viên, nông dân ủng hộ trên 2,5 tỷ đồng, đóng góp trên 31.000 công lao động nạo vét, sửa chữa 1.261 km kênh mương, 378km đường giao thông; bê tông hoá 5,6 km đường giao thông nông thôn, 70 km kênh mương nội đồng; hiến 17.370 m2 đất xây dựng 5 nhà văn hóa. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu“Nông dân Việt Nam xuất sắc” cho 02 cá nhân; tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” cho 01 cá nhân. (10) Phối hợp gói 1.200 bánh chưng tặng các khu cách ly, bệnh viện dã chiến và chốt kiểm dịch Covid-19. Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao 200 xuất quà, 11 tấn gạo cho hội viên, nông dân trị giá trên 300 triệu đồng. Trao 20 xuất quà Tết, trên 3 tấn gạo cho 20 hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các cấp Hội thăm hỏi, tặng 1.951 xuất quà trị giá 968 triệu đồng; hội viên nông dân giúp 10.250 ngày công lao động, 392 triệu đồng, 79,25 tấn gạo cho 266 hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
6. Điểm sáng ngành du lịch Tuyên Quang năm 2022: Tổ chức thành công chuỗi các sự kiện: Khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất; hội nghị liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang “Huyền thoại Sông Gâm”; Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch, Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO di sản văn hoá phi vật thể “Thực hành then Tày, Nùng, Thái Việt Nam”, Lễ hội Thành Tuyên, “Người đẹp Xứ Tuyên”. Kết quả thu hút 2,37 triệu lượt khách du lịch, doanh thu 2.475 tỷ đồng.
7. Hội Nông dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện việc đột phá, đổi mới do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao năm 2023: (1) Xây dựng, củng cố 02 chi hội nông dân nghề nghiệp, 25 tổ hội nghề nghiệp có tham gia vào hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị và sản phẩm OCOP của địa phương. Thành lập 5 Hợp tác xã, phát triển 07 tổ hợp tác theo hướng hoạt động liên kết sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. (2) Hỗ trợ 138 hộ hội viên nông dân nghèo thoát nghèo. Xóa được ít nhất 100 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ hội viên nông dân nghèo. (3) Tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tại các xã về đích nông thôn mới xây dựng 1.000 công trình vệ sinh (hầm bể biogas/bể tự hoại...). (4) Chỉ đạo xây dựng 40 mô hình "Phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn". 25% hộ hội viên nông dân được tuyên truyền, hướng dẫn thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn; tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. Phấn đấu 10% hộ hội viên, nông dân các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn.
8. Chương trình đào tạo xuất khẩu lao động tại Nhật Bản năm 2023 cho hội viên, nông dân được Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần sáng tạo đỉnh cao triển khai. Đối tượng tuyển dụng: Công dân có độ tuổi từ 18 - 36 tuổi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Các ngành nghề tuyển dụng: tiện gia công kim loại, gia công cơ khí, chế biến thực phẩm, buộc thép… Học viên thực hiện phỏng vấn và đào tạo tiếng Nhật, ăn, nghỉ tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân. Tổng chi phí xuất cảnh là 110 triệu; được hỗ trợ, tư vấn hồ sơ vay vốn theo quy định của các ngân hàng (cho vay 100% chi phí xuất cảnh).
9. Hội Nông dân tập trung chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023-2028, đến nay đã có 100% cơ sở tổ chức thành công Đại hội Hội Nông dân cơ sở; cấp huyện hoàn thành trong quý II/2023; cấp tỉnh trong quý III/2023. Công tác tuyên truyền Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp (theo Kế hoạch số 322-KH/HNDT, ngày 24/11/2022 của Hội Nông dân tỉnh).
10. Chương trình truyền hình Nhà nông tài ba do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức, Chương trình được phát sóng trên kênh TTV, định kỳ vào thứ 7 tuần 4 của tháng. Đến nay Chương trình đã phát sóng được 15 số. Thông qua chương trình giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức, kiến thức trong sản xuất; góp phần đưa nhanh các cơ chế, chính sách về các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đi vào cuộc sống; thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương; từng bước đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
11. Tuyên truyền về hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên nông dân
Chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân đang được Trung tâm Hỗ trợ nông dân triển khai. Sau khi nhận phân bón, người nông dân được trả chậm 6 tháng. Phân bón có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo và do tổ chức Hội trên toàn quốc tín chấp, ký kết trực tiếp với các doanh nghiệp, không qua khâu trung gian nên giá phân bón hợp lý, thấp hơn so với thị trường, được hội viên, nông dân trong cả nước tích cực đăng ký tham gia.
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tư vấn, đăng ký mua phân bón trả chậm, xuất khẩu lao động liên hệ đc Lê Đình Chính, viên chức Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh, điện thoại 0979.323.099./.
Ban Biên tập