1. Từ ngày 03/10 - 09/10/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp bàn, cho ý kiến các tờ trình, đề án, báo cáo của Bộ Chính trị liên quan một số vấn đề lớn, cơ bản và quan trọng. Trong đó Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể, toàn diện, xem xét, biểu quyết thông qua các Nghị quyết: (1) Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (2) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. (3) Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.
2. Từ ngày 07/12- 11/12/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh, diễn ra kỳ họp thứ 5. Tại kỳ họp này, Hội Đồng nhân dân tỉnh đã thảo luận, xem xét một cách kỹ lưỡng và thống nhất cao thông qua 31 nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó: 02 nghị quyết về hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2023; 05 nghị quyết về lĩnh vực tài chính, ngân sách; 02 nghị quyết về an sinh xã hội; 05 nghị quyết về đầu tư xây dựng; 07 nghị quyết về lĩnh vực đất đai; 05 nghị quyết quy định triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; 02 nghị quyết về giao chỉ tiêu biên chế, công chức, số người làm việc, hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức Hội; kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh; đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang; thị trấn các huyện: Na Hang, Hàm Yên, Yên Sơn và điều chỉnh phạm vi một số tuyến đường, phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
3. Ngày 12/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát động Phong trào thi đua Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030:
(1) Nội dung phong trào thi đua: Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực quản lý; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số, chính quyền số, xã hội số. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Bảo đảm hoạt động lãnh đạo, điều hành trên môi trường số; văn bản trao đổi dưới dạng điện tử, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng, ứng dụng chữ ký số, thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Thi đua xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân truy cập, khai thác, sử dụng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính. Ưu tiên chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: Nông nghiệp, giao thông, vận tải và logistic, tài chính-ngân hàng, y tế, giáo dục-đào tạo, du lịch…Các doanh nghiệp, hợp tác xã: ứng dụng công nghệ số để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực kinh tế-xã hội. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu, ứng dụng thiết bị công nghệ số phục vụ nhu cầu xã hội, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
(2) Các tiêu chí và chỉ tiêu thi đua đến năm 2025: * Đối với tập thể: 100% cơ sở dữ liệu dùng chung và 80% cơ sở dữ liệu được kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; 100% cơ quan, đơn vị tham gia phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; văn bản được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký bởi chữ ký số; chế độ báo cáo được tạo lập, lưu trữ kết nối, tích hợp, chia sẻ trên hệ thống dùng chung. Cơ quan cấp tỉnh: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến (tối thiểu 80% hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến). 100% các hệ thống dùng chung và chuyên ngành đều được xác thực tập trung; chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng. Cấp huyện: 80% hồ sơ công việc được xử lý và ứng dụng chữ ký số trên môi trường mạng. 100% tuyến đường chính tại trung tâm các huyện, thành phố được lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh. Cấp xã: 60% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc bí mật Nhà nước). * Đối với người dân: Người dân tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong lao động, sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao; hưởng ứng, tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và cộng đồng tham gia tích cực, hiệu quả trong chuyển đổi số tại địa phương. 100% người dân có danh tính số kèm theo mã QR code, có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân; 100% học sinh có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; 100% hộ gia đình có địa chỉ số và có ít nhất 01 điện thoại thông minh.
4. Ngày 09/11/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đến năm 2025: (1) Phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới: (1.1) 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông. (1.2) Trên 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội và tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông và 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên của Tiêu chí số 15 về Hành chính công. (1.3) Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công. (1.4) Có ít nhất 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu về hình ảnh điểm du lịch của huyện được quảng bá thông qua ứng dụng Internet, mạng xã hội của Tiêu chí số 6 về Kinh tế và 25% đạt chỉ tiêu huyện có dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công. (1.5) Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số. (2) Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có hợp tác xã và 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực; 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. (3) Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa…) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến. (4) Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường…). Đối tượng thụ hưởng: người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế-xã hội trên địa bàn 122 xã trong tỉnh.
5. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh
Ngày 28/10/2022 Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BTTTT quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Thông tư quy định: (1) Đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo. (2) Điều kiện hỗ trợ: Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến (máy tính bảng, máy tính để bàn, máy tính xách tay) thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ. (3) Thứ tự ưu tiên: Hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách người có công với cách mạng; Hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách xã hội; Hộ nghèo; Hộ cận nghèo. (4) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất (gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp); Hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua điện thoại thông minh kể từ ngày Thông tư có hiệu lực). (5) Mức hỗ trợ: kinh phí hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh và kinh phí hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất; Trong đó: Giá điện thoại thông minh do doanh nghiệp cung cấp không thấp hơn mức hỗ trợ bằng tiền. Mức hỗ trợ sử dụng dịch vụ thực hiện theo quy định. Trường hợp hỗ trợ bằng tiền là 500.000 đồng/hộ; nếu hộ gia đình mua điện thoại thông minh trên thị trường (trường hợp hộ nhận hỗ trợ bằng tiền) hoặc có giá cao hơn mức hỗ trợ, hộ gia đình tự bổ sung kinh phí tăng thêm. (6) Hồ sơ: Bản sao Căn cước công dân của chủ hộ hoặc của người đại diện nhận hỗ trợ; Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo; Hóa đơn mua điện thoại thông minh từ ngày 12/12/2022 thời điểm Thông tư có hiệu lực thi hành (đối với hộ nhận tiền).
6. Thực hiện kế hoạch đột phá, đổi mới do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Hội Nông dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trong tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch.
6.1. Các cấp hội tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể. Hội Nông dân tỉnh tổ chức 13 Hội nghị tập huấn kỹ năng lãnh đạo và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho 250 học viên. Các cơ sở Hội thành lập 04 chi hội nghề nghiệp với 72 thành viên; 43 tổ hội với 423 thành viên. Lũy kế đến nay có 35 Chi hội, với 876 thành viên; 203 tổ hội với 2.191 thành viên; có 33 tổ hội nghề nghiệp tham gia vào hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị và sản xuất sản phẩm OCOP của địa phương.
6.2. Thực hiện phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ dân tự làm” các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân đóng góp 509,4 triệu đồng, 6.068 ngày công lao động giúp làm 268 nhà mới, sửa chữa 78 nhà cho hộ hội viên nông dân nghèo. Vận động xây dựng 279,6 triệu đồng Quỹ “Mái ấm nông dân”, hỗ trợ làm mới 01 nhà, sửa chữa 01 nhà từ nguồn quỹ này. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh ủng hộ làm mới 39/20 nhà tổng số tiền 1,9 tỷ đồng; phối hợp với các Ban Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao 20 xuất quà Tết, trên 3 tấn gạo cho 20 hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn của xã Hợp Hoà huyện Sơn Dương; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tặng 200 xuất quà, 11 tấn gạo cho hội viên, nông dân xã Hùng Đức, Yên Lâm (huyện Hàm Yên) trị giá trên 300 triệu đồng. Cơ sở Hội giúp đỡ thăm hỏi, tặng 1.951 xuất quà tết trị giá 968 triệu đồng; hội viên nông dân giúp đỡ, ủng hộ 10.249 ngày công lao động, 392 triệu đồng, 79,25 tấn gạo cho 266 hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên 100 triệu đồng.
6.3. Các cơ sở hội vận động hội viên, nông dân lắp đặt 542 hầm bể Biogas, xây dựng 580 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
6.4. Thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền cho hội viên nông dân các kiến thức, kỹ năng phân loại rác thải: rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa, rác thải đồng ruộng, chất thải trong chăn nuôi, cách lắp đặt và sử dụng thùng ủ, cách ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học cho 800 lượt hội viên... Triển khai Dự án “Tuyên truyền vận động nông dân ứng dụng công nghệ sinh học để tận thu và xử lý chất thải trong chăn nuôi” tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương; Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng bưởi da xanh theo hướng an toàn sinh học tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn”. Tổ chức 45 mô hình, hỗ trợ 230 hộ gia đình nông dân làm bể xử lý rác hữu cơ. Hướng dẫn xây dựng 6 lò đốt rác; thành lập 6 mô hình tự quản “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch”.
7. Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với Bưu điện tỉnh
Thực hiện kế hoạch thoả thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hoá giai đoạn 2021-2025. Tổ chức 130 hội nghị tập huấn hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa; hỗ trợ hội viên nông dân đưa 44 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm du lịch trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, tạo được 4.000 tài khoản mua, bán; xây dựng và đưa vào hoạt động Website "Giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản Tuyên Quang". Tổ chức tuyên truyền vận động hội viên, nông dân đăng ký tham gia “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các Doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại”. Xây dựng và đưa vào hoạt động Website "Giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản Tuyên Quang".
8. Chương trình truyền hình Nhà nông tài ba do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức năm 2022, Chương trình được phát sóng trên kênh TTV, định kỳ vào thứ 7 tuần 4 của tháng. Đến nay Chương trương trình đã phát sóng được 12 số, sau mỗi số phát sóng đề nghị cán bộ hội viên nông dân đón xem và chia sẻ để chương trình có sức lan toả trong cán bộ hội viên nông dân. Thông qua chương trình giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức, kiến thức trong sản xuất; góp phần đưa nhanh các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống; thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương; từng bước đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
9. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thành công Hội thi Nhà Nông đua tài cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ V, năm 2022. Tham gia Hội thi Nhà Nông đua tài toàn quốc năm 2022 Đội Tuyên Quang từ lãnh đạo đến đạo diễn và thí sinh đã cố gắng nỗ lực hết sức mình để mang đến Hội thi những tiết mục đặc sắc, sâu lắng, để lại cho người xem dấu ấn khó quên. Đội đã xuất sắc với số điểm cao nhất đạt giải nhất khu vực I và vượt qua 60 tỉnh thành đạt giải 3 toàn quốc. Tổ chức thành công Hội thi cán bộ Hội Nông dân cơ sở giỏi năm 2022 cấp tỉnh, cấp huyện.
10. Hội Nông dân tập trung chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028, đã có 1.213 chi hội tổ chức Đại hội; theo kế hoạch Đại hội cấp cơ sở hoàn thành trong quý I/2023; Đại hội cấp huyện hoàn thành trong quý II/2023; đại hội cấp tỉnh hoàn thành trong quý III/2023. Công tác tuyên truyền Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp (theo Kế hoạch số 322-KH/HNDT, ngày 24/11/2022 của Hội Nông dân tỉnh về Tuyên truyền Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028).
11. Tuyên truyền về hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên nông dân
Chế phẩm vi sinh Sumitri xử lý rơm rạ thành phân bón ngay tại ruộng, giảm công lao động; giảm chi phí phân bón 20-30%; giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật từ 2-4 lần; tăng năng suất từ 10%-15%; nâng cao hiệu quả kinh tế từ 4-6 triệu/ha và giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ...
Chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân đang được Trung tâm Hỗ trợ nông dân triển khai. Sau khi nhận phân, người nông dân được trả chậm 6 tháng. Phân bón có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo và do tổ chức Hội tín chấp, ký kết trực tiếp với các doanh nghiệp, không qua khâu trung gian nên giá phân bón rất hợp lý, thấp hơn so với thị trường, được hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực đăng ký tham gia.
Chương trình đào tạo Xuất khẩu lao động tại Nhật Bản năm 2023 cho hội viên, nông dân đang được Trung tâm Hỗ trợ nông dân phối hợp với Công ty cổ phần sáng tạo đỉnh cao triển khai. Đối tượng tuyển dụng: Công dân có độ tuổi từ 18 - 36 tuổi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản (tuổi tuỳ theo từng ngành nghề cụ thể). Các ngành nghề tuyển dụng: tiện gia công kim loại, gia công cơ khí, chế biến thực phẩm, buộc thép. Học viên thực hiện phỏng vấn và đào tạo tiếng Nhật tại tỉnh Tuyên Quang và có chỗ ăn nghỉ tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân (đối với học viên ở xa có nhu cầu ở lại).
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tư vấn, đăng ký mua chế phẩm sinh học, phân bón trả chậm, xuất khẩu lao động liên hệ với đồng chí Lê Đình Chính, điện thoại 0979.323.099./.
Ban Biên tập