1. Tuyên truyền về Đại hội đại biểu đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới; hưởng ứng các công trình, phần việc cụ thể, thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.
2. Tuyên truyền kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Đầu những năm 1920 ruộng đất được tích tụ vào tay quan lại, địa chủ, đời sống nông dân vô cùng khổ cực. Cuối năm 1929, tại tỉnh Hà Đông đồng chí Bùi Sinh Chấn là đảng viên Đông Dương cộng sản Đảng đã tập hợp được một tổ chức quần chúng, gọi là tổ Nông hội đỏ; đây là tổ Nông hội đỏ đầu tiên được thành lập. Ngày 14/10/1930 Tổng Nông hội Đông Dương tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam được thành lập đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam. Tháng 3/1937, Trung ương Đảng quyết định lấy tên Nông hội thay Nông hội đỏ. Hội nghị Trung ương Tám, tháng 5/1941 Nông hội được gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội. Phong trào đấu tranh của nông dân phát triển mạnh mẽ, đất nước diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 06/8/1949, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Nông vận Trung ương, đồng chí Hồ Viết Thắng Ủy viên Trung ương Đảng làm trưởng ban. Ban Nông vận có nhiệm vụ tham mưu những chính sách về nông dân, nông nghiệp, chỉ đạo sản xuất, cải cách ruộng đất, cải thiện dân sinh. Từ ngày 28/11-07/12/1949 Ban Nông vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất tại thôn Phong Vân, xã Tân Tiến (Yên Sơn). Tham dự có cán bộ đại diện cho ba miền; Hội nghị nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc). Tháng 5/1951 Ban Liên lạc nông dân toàn quốc tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai tại thôn Đồng Quắc, xã Bình Nhân (Chiêm Hoá). Dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện cho giai cấp nông dân cả nước. Hội nghị quán triệt những nhiệm vụ mới của Đảng để lãnh đạo phong trào nông dân và xây dựng tổ chức Hội. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Trung ương Đảng dự và phát biểu tại Hội nghị. Tổng Bí thư dành nhiều thời gian nói về Chính cương của Đảng, quan điểm của Đảng đối với nông dân và chính sách ruộng đất.
Ngày 25/6/1979, Ban Bí thư tách Ban Trù bị Đại hội nông dân tập thể Trung ương thành cơ quan riêng (trước thuộc Ban Nông nghiệp Trung ương), đồng chí Ngô Duy Đông làm Trưởng ban. Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư quyết định thành lập tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Giai cấp nông dân có tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Quyết định đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam, tên gọi được duy trì cho đến nay. Ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14/10/1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
Trải qua 7 kỳ Đại hội, Hội Nông dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn; cùng đóng góp công sức xây dựng đất nước trở thành nước đang phát triển. Kinh tế tăng trưởng khá; diện mạo đất nước và đời sống của nông dân có nhiều thay đổi. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả tích cực.
Hội Nông dân tỉnh đã có bước trưởng thành, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức đáp ứng với tình hình, nhiệm vụ mới hiện nay. Nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, tổ chức thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm; nhiều việc làm mới, sáng tạo đã đi vào chiều sâu, xây dựng nhiều mô hình mới có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của hội viên, nông dân. Đã đề xuất với tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế; tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua. Đội ngũ cán bộ được trẻ hóa, có trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất của các cấp Hội được đẩy mạnh; nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chương trình phối hợp với các ngành được tăng cường. Các chỉ tiêu công tác Hội và phong trào nông dân hằng năm cơ bản đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh (khoá IX) ban hành Kết luận về nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội. Nội dung yêu cầu các huyện, thành Hội phân công các ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và cơ sở Hội dự sinh hoạt chi hội để nắm tình hình, hướng dẫn và kịp thời chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm của Hội cấp trên. Kết quả các chi hội từng bước duy trì nghiêm chế độ sinh hoạt, chất lượng, nội dung sinh hoạt được đổi mới, nâng cao. Qua đó thu hút, tập hợp nông dân vào tổ chức, đến nay toàn tỉnh có trên 117.800 hội viên. Hội Nông dân tỉnh hằng năm đều được công nhận đơn vị xuất sắc, được Trung ương Hội, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều Bằng khen chuyên đề, Cờ nhiệm kỳ 2008-2013, nhiệm kỳ 2013-2018 và vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì.
3. Một số nội dung chính trong sinh hoạt Chi hội nông dân
Chi hội trưởng chuẩn bị nội dung sinh hoạt. Họp Ban Chấp hành Chi hội để thống nhất nội dung sinh hoạt, đánh giá kết quả công tác trong quý; xác định nội dung trọng tâm dự kiến nhiệm vụ của quý tiếp theo. Trình tự buổi sinh hoạt gồm: (1) Mở đầu: Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. Thông báo tình hình hội viên; cử thư ký ghi biên bản sinh hoạt chi hội. Thông qua nội dung, chương trình sinh hoạt chi hội. (2) Tiến hành sinh hoạt: Lựa chọn những văn bản của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, tổ chức Hội để tuyên truyền. Đánh giá tình hình tư tưởng của hội viên, định hướng tư tưởng cho hội viên. Đánh giá kết quả công tác kỳ trước, việc thực hiện nhiệm vụ của hội viên, ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân để có biện pháp khắc phục; biểu dương hội viên tích cực. Xác định nhiệm vụ của chi hội thời gian tiếp theo. Công tác thu nộp hội phí, quỹ hội, các nội dung khác…trong điều hành sinh hoạt Chi hội trưởng trình bày từng nội dung công việc; hướng dẫn thảo luận. Hội viên phát biểu thảo luận nội dung được định hướng. Khi thấy nội dung nêu ra đã được thảo luận làm rõ thì chủ trì hội nghị kết luận và lấy biểu quyết. (3) Kết thúc: Chi hội trưởng tổng hợp các ý kiến phát biểu tại buổi sinh hoạt, tiếp thu đề xuất, kiến nghị của hội viên. Kết luận, đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt.
4. Tiếp tục tuyên truyền vận động hội viên, nông dân nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân để mọi người đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh coi công tác phòng, chống dịch bệnh như "chống giặc". Người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch; đó là: đeo khẩu trang; tránh giao tiếp quá gần; không tập trung đông người, trong đó đặc biệt lưu ý đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính; không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết và thực hiện khai báo y tế. Nếu có triệu chứng như sốt, ho, khó thở - triệu chứng điển hình của bệnh có thể là COVID-19, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Vận động người dân phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ việc làm và nâng cao đời sống; nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
5. Tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn. Bảo đảm an toàn thực phẩm từ công đoạn trồng trọt đến sơ chế, chế biến và bảo đảm an toàn thực phẩm tại công đoạn kinh doanh. Đẩy mạnh vận động nông dân thực hiện sản xuất tuân thủ theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, không mở rộng quy mô sản xuất khi cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đã có cảnh báo, khuyến cáo.
6. Tiếp tục tuyên truyền về chương trình phối hợp mua chung hàng hóa.
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và Công ty cổ phần đầu tư và bán lẻ BT (Gọi tắt là Công ty BTG) triển khai mua chung sản phẩm dầu ăn nhãn hiệu Otran, thương hiệu Noda đến tận tay hội viên, nông dân của 6/7 huyện, thành phố trên toàn tỉnh, điển hình có huyện Hàm Yên và Na Hang triển khai 100% các xã, huyện Lâm Bình 75% số xã trên địa bàn toàn huyện, tổng lượng dầu ăn cung ứng trên 17.000 lít.
Quá trình triển khai chương trình mua chung hàng hóa đã giúp cho các chi hội trưởng, ban chấp hành Hội Nông dân cấp xã thực hiện được một hoạt động có ý nghĩa rất lớn đó là cung cấp mặt hàng thiết yếu đến tận tay hội viên nông dân, đồng thời thể hiện được vai trò của các cấp Hội trong việc tuyên truyền, nắm bắt tình hình, đôn đốc hội viên triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh covid -19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cơ sở.
Ngoài ra, chương trình đã cung cấp cho hội viên, nông dân sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe tim mạch do chứa hàm lượng Omega 3,6,9. Lựa chọn được sản phẩm thay thế thói quen sử dụng là mỡ động vật và tiết kiệm 1/3 chi phí cho hội viên, nông dân, đồng thời góp phần thực hiện tốt chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Hiện nay chương trình “Mua chung hàng hóa” vẫn tiếp tục được triển khai rộng rãi đến toàn thể hội viên, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh với các gói hàng là các mặt hàng thiết yếu theo từng đợt (gói hàng 01: 82.000 đồng gồm 02 chai dầu ăn Otran loại 1 lít; gói hàng 02: 110.000 đồng gồm 01 chai dầu ăn Otran loại 2 lít + nước mắm truyền thống loại 02 lít...) cùng các mặt hàng thiết yếu khác theo nhu cầu tiêu dùng như: Nước giặt, nước rửa bát, nước rửa tay, dầu ăn Otran can 5 lít... Mọi chi tiết liên hệ với đồng chí Lê Hoàng - Trung tâm Hỗ trợ nông dân, điện thoại: 0975 835 455.
Ban Biên tập