1. Thông tin về kết quả kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh khoá 19, nhiệm kỳ 2021- 2026: Kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh khoá 19, nhiệm kỳ 2021- 2026 được diễn ra trong 2 ngày (ngày 29 - 30/6/2021), đây là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khởi đầu cho hoạt động của một nhiệm kỳ mới. Nội dung quan trọng của kỳ họp là bầu các chức danh chủ chốt của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026. Cuộc bầu cử đã diễn ra thành công, đúng luật, an toàn, tiết kiệm; đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid -19. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,81%; Tuyên Quang - là một trong những tỉnh có tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao trong cả nước. Kết quả, có 55 đại biểu trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 19, nhiệm kỳ 2021-2026, đảm bảo số lượng, cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 19, nhiệm kỳ 2021-2026, là những người có đủ tư cách để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định. Đồng chí Đào Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đại diện cho cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 19, nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khởi đầu cho hoạt động của nhiệm kỳ mới; hội nghị sáng suốt lựa chọn, bầu các chức danh lãnh đạo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu nhanh chóng ổn định tổ chức, rà soát, ban hành các quy định, quy chế làm việc. Chủ động, khẩn trương nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025. Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch Covid-19 , vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Với tỷ lệ phiếu bầu đạt cao và tuyệt đối: Bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa 19, nhiệm kỳ 2021-2026. Bà Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 18; bà Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 18, tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 19, nhiệm kỳ 2021-2026. Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết thành lập Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và nghị quyết về số lượng Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 19, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, mỗi ban của Hội đồng nhân dân tỉnh có 05 Ủy viên. Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 18, nhiệm kỳ 2016-2021, tiếp tục được bầu làm Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách. Bà Nguyễn Thị Thu Chang, Trưởng phòng Đoàn thể và các Hội, Ban Dân vận Tỉnh ủy, được bầu làm Phó Trưởng Ban Kinh tế -Ngân sách. Bà Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, được bầu làm Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội; Bà Vũ Thị Giang, Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, làm Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội. Ông Phùng Tiến Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, làm Trưởng ban Pháp chế; Bà Trần Thị Hà, Phó Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 18, nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Lý Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh được bầu làm Phó Trưởng ban Pháp chế. Ông Hà Quang Giai, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, được bầu làm Trưởng Ban Dân tộc; Bà Phan Thị Mỹ Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Tuyên Quang, làm Phó Trưởng Ban Dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khóa 19, nhiệm kỳ 2021- 2026. Các ông Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021; ông Hoàng Việt Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021; ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021, được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) xây dựng bộ máy chính quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh". Hội đồng nhân dân tỉnh cần nhanh chóng ổn định về tổ chức, sắp xếp cán bộ, kiện toàn bộ máy, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sửa đổi lề lối làm việc cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới. Tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng tổ chức các kỳ họp, chủ động, sáng tạo, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 thành các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. (2) Tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, tạo động lực để các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Hoàn thiện, bổ sung các chính sách đúng thẩm quyền, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phối hợp tổ chức hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư; kịp thời chuyển các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri và Nhân dân đến các cơ quan có thẩm quyền; thường xuyên đôn đốc, giám sát, giải quyết kịp thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri và Nhân dân. (3) Mỗi vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tích cực chủ động không ngừng, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hoạt động; thực hiện tốt chương trình hành động đã báo cáo với cử tri khi vận động bầu cử. Tham dự đầy đủ các kỳ họp của Hội đồng nhân dân; liên hệ chặt chẽ với cử tri, nắm chắc tình hình đời sống của nhân dân, phản ánh trung thực, đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo theo các quy định của pháp luật. (4) Tăng cường sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, tập hợp, vận động nhân dân, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Phản ánh kịp thời, theo dõi, đôn đốc và giải quyết những bức xúc, kiến nghị của cử tri, tạo sự đồng thuận cao để huy động sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh. (5) Tập trung, khẩn trương chuẩn bị chu đáo các nội dung, điều kiện, để tổ chức tốt kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 19. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển du lịch và các chính sách khác để cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nghị quyết của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa 17…; thực hiện quyết liệt các biện pháp để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống của nhân dân.
2. Tổ chức triển khai nghiêm túc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid -19 trong tình hình mới, đặc biệt là Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội. Nội dung kết luận yêu cầu: Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần“chống dịch như chống giặc”; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Tiếp tục chỉ đạo và triển khai các biện pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh phối hợp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân với chủ đề: “kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch”. Kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; tăng cường, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, nhất là lợi ích của việc tiêm vắc-xin; thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng, phòng chống dịch thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K+vắc xin” (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế, tiêm phòng vắc xin Covid-19); nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; khuyến cáo người dân không nên đi, đến, về từ các tỉnh, thành phố, vùng đang có dịch theo thông báo của bộ y tế nếu không thật sự cần thiết.
3. Tuyên truyền, thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo Đề án, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động.
Tuy nhiên, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả thực hiện một số phong trào thi đua, thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội.... còn hạn chế; trong đó Đề án xác định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Đề án xác định mục tiêu chung: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh vững mạnh. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm "Hướng mạnh về cơ sở, chăm lo nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, Nhân dân"; đổi mới công tác vận động quần chúng theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nâng cao chất lượng tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên trách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Đề án xác định 12 mục tiêu cụ thể (1) Phấn đấu đến năm 2025, duy trì tỷ lệ tập hợp, thu hút quần chúng tham gia vào tổ chức bình quân đạt trên 80%. (2) Hằng năm, phấn đấu có trên 90% cán bộ, đoàn viên, hội viên được học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. (3) Mỗi năm, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; người đứng đầu và cán bộ chuyên trách đăng ký ít nhất 01 việc làm mới, đột phá và thực hiện có hiệu quả. (4) Hằng năm, xây dựng chương trình phối hợp với chính quyền, xác định được nhiệm vụ trọng tâm gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện. (5) Phấn đấu hằng năm mỗi cơ sở giúp đỡ ít nhất 01 hộ thoát nghèo; xây dựng ít nhất 01 mô hình về phát triển kinh tế. (6) Hằng quý, Thường trực cấp ủy cơ sở và Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố tổ chức giao ban với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp. Phấn đấu đến năm 2025, có trên 70% Trưởng Ban công tác Mặt trận, Trưởng các chi hội là đảng viên. (7) Phấn đấu đến năm 2025, trên 80% chi đoàn, chi hội, Ban công tác Mặt trận ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong sinh hoạt và tổ chức hoạt động. (8) Vận động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp về thôn, bản ít nhất 01 ngày/tháng theo phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với Nhân dân. (9) Phấn đấu đến năm 2025, cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ chuyên môn đại học trở lên và đạt chuẩn về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Hằng năm trên 95% cán bộ chi hội được tập huấn, trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ công tác. (10) Phấn đấu đến năm 2025, 100% chi đoàn, chi hội xây dựng được quỹ để phục vụ hoạt động. (11) Hằng năm, 100% Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng và thực hiện Chương trình giám sát, phản biện theo quy định. (12) Phấn đấu hằng năm, có trên 90% Hội Nông dân cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Đề án xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện: (1) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; (2) Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; (3) Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; (4) Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục; đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên và Nhân dân; đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt; (5) Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và phát triển tổ chức; (6) Tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
4. Ngày 22/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TU về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết đề ra 03 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đồng bộ, kết nối nội vùng, liên vùng trong tỉnh với các tỉnh lân cận và giao thông quốc gia. Hoàn thành và đưa vào khai thác đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường từ huyện đến trung tâm xã vào năm 2022; trên 85% đường thôn, 65% đường nội đồng được cứng hóa; đầu tư xây dựng trên 56% cầu trên đường giao thông nông thôn; 100% thôn, tổ dân phố có đường ô tô đến trung tâm... (2) Về phát triển Đô thị động lực. Đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 27%; năm 2030 đạt trên 35%; năm 2045 đạt trên 50%; xây dựng thành phố Tuyên Quang là đô thị hạt nhân; thị trấn Na Hang là đô thị lõi vùng phía Bắc, gắn với Khu Danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình; thị trấn Sơn Dương là đô thị lõi vùng phía Nam, gắn với Khu du lịch Quốc gia Tân Trào.... (3) Về phát triển Hạ tầng công nghệ thông tin. Phấn đấu đến năm 2023, 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có Internet băng thông rộng; cung cấp dịch vụ 5G; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số...
5. Tuyên truyền về bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Bệnh viêm da nổi cục hay còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và không gây bệnh trên người. Đường truyền lây nhiễm loại virus này chủ yếu qua côn trùng truyền bệnh như muỗi, ruồi, ve..., bệnh cũng có thể lây truyền do quá trình vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, qua trâu bò mẹ cho con bú sữa và qua tiếp xúc trực tiếp. Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu: Sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu, giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; hình thành các nốt sần có đường kính từ 2-5 cm ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.
Để phòng tránh dịch bệnh, cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn gia súc, chăm sóc tốt đàn trâu, bò. Chủ động giám sát trâu, bò; khi có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện và báo cáo chính quyền, cơ quan thú y để triển khai các biện pháp chữa trị và phòng, chống dịch bệnh. Hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực chăn nuôi, nuôi nhốt trâu, bò. Khi đã phát sinh dịch bệnh phải kịp thời cách ly trâu, bò để xử lý, tuyệt đối không được vận chuyển hoặc giết mổ làm lây lan dịch bệnh, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong phòng, chống dịch bệnh; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
6. Tuyên truyền về hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ cho hội viên nông dân
Cung ứng chế phẩm vi sinh SUMITRI. Chế phẩm vi sinh SUMITRI xử lý rơm rạ thành phân bón ngay tại ruộng của Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Phương Nam. Ưu điểm vượt trội: giảm chi phí phân bón 20-30%; giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật từ 2-4 lần; giảm công lao động; tăng năng suất từ 10%-15%; nâng cao hiệu quả kinh tế từ 4-6 triệu/ha và giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ. Các xã ứng dụng chế phẩm vi sinh SUMITRI đã cho hiệu quả rõ rệt như: Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, Thắng Quân, huyện Yên Sơn...
Trong thời gian qua, với vai trò là “cầu nối” trong sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ nông dân đã triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân (đầu vụ đăng ký lấy phân bón, cuối vụ thanh toán tiền); sau khi nhận phân, người nông dân được trả chậm 6 tháng; do đó giảm bớt áp lực về vốn trong đầu tư sản xuất. Chương trình có nhiều ưu điểm như: Phân bón có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo (đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thẩm định chất lượng) và do tổ chức Hội Nông dân tín chấp, ký kết trực tiếp với các doanh nghiệp, không qua khâu trung gian nên giá phân bón rất hợp lý, thấp hơn so với thị trường và đang được hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực đăng ký tham gia.
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tư vấn, đăng ký mua chế phẩm sinh học, phân bón trả chậm liên hệ với đồng chí Lê Đình Chính, điện thoại 0979.323.099./.
Ban Biên tập