1. Tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc bầu cử. Tập trung tuyên truyền vị trí, vai trò, nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu, quyền bầu cử và ứng cử của công dân; vai trò, tinh thần trách nhiệm của cử tri đóng góp vào sự thành công của Cuộc bầu cử: Việc tham gia bầu cử của cử tri thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân đối với Nhà nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động chào mừng. Tuyên truyền đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự. Vận động hội viên, nông dân, cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử. Gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tích cực tham gia bầu cử đảm bảo thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân theo đúng quy định của pháp luật.
2. Tuyên truyền về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc thứ XIII của Đảng. Đại hội diễn ra từ ngày 25/01-01/2/2021, có 1.587 đại biểu tham dự. Chủ đề của Đại hội “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Với tinh thần “Đoàn kết-dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển”, Đại hội đã đề ra cho nhiệm kỳ mới 03 đột phá chiến lược, 3 chỉ tiêu chủ yếu, 6 nhiệm vụ trọng tâm.
3. đột phá chiến lược: (1) Về thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp hữu hiệu. (2) Về nguồn nhân lực. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (3) Về hệ thống kết cấu hạ tầng. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội theo hướng: Phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
3 chỉ tiêu chủ yếu: (1) Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2025 GDP bình quân khoảng 4.700-5.000 USD; tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. (2) Về xã hội: Đến năm 2025, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỉ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. (3) Về môi trường: Đến năm 2025, tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100%, nông thôn là 93-95%; tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 92%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%.
6 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. (2) Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắc-xin Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước. (3) Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. (4) Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam. (5) Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc. (6) Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá mới gồm 180 đồng chí và 20 đồng chí Uỷ viên dự khuyết; Bộ Chính trị 18 đồng chí; Ủy ban Kiểm tra Trung ương 19 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
3. Tuyên truyền về tiêm phòng gia súc, gia cầm. Ngày 08/12/2020 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tỉnh Tuyên Quang năm 2021. Nội dung kế hoạch yêu cầu người chăn nuôi chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh và ý nghĩa của việc tiêm phòng để chủ động thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. (1) Các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc: Đàn trâu, bò: tiêm phòng bệnh lở mồm long móng và bệnh Tụ huyết trùng. Đàn lợn: tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, bệnh tụ huyết trùng; riêng đàn lợn nái, lợn đực giống tiêm phòng cả bệnh lở mồm long móng. Đàn dê: tiêm phòng bệnh lở mồm long móng. Đàn gia cầm: đàn gà tiêm phòng bệnh Niu-cát-xơn, bệnh cúm gia cầm; đàn vịt tiêm phòng bệnh dịch tả vịt, bệnh cúm gia cầm. Chó, mèo: tiêm phòng bệnh Dại. (2) Thời gian tổ chức tiêm phòng: tổ chức tiêm phòng 02 vụ chính trong năm gồm: Vụ Xuân-Hè, vụ Thu-Đông. Tổ chức “Tháng cao điểm” thực hiện tiêm phòng để tập trung chỉ đạo, đôn đốc và triển khai thực hiện công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao nhất. Thực hiện tiêm phòng bổ sung thường xuyên cho số gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt chính và số gia súc, gia cầm mới phát sinh thuộc đối tượng phải tiêm phòng.
4. Tuyên truyền về xử lý chất thải chăn nuôi. Nghị định số 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2021. Nghị định này bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018; điểm b khoản 7 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Theo Mục 3. Vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi Nghị định này, quy định cụ thể mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại. Theo đó, (1) Hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 3-5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 5-7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn. (2) Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi cho cây trồng bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 5-7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 7-10 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn. (3) Hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 5-7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 7-10 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn. Mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ: phạt tiền từ 0,5-1 triệu đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Ngoài ra, còn bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
5. Tuyên truyền về phong trào “Tết trông cây”. Ngày 31/12/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Mục tiêu là ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021 cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Năm 2021 trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần, từ năm 2022-2025 cao gấp 2 lần so với năm 2020. Nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, ưu tiên lựa chọn các loài cây bản địa, cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng suốt quá trình trồng, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Các cấp Hội xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021 và giai đoạn 2022-2025. Phối hợp phát động phong trào thi đua trong hội viên, nông dân thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Ưu tiên lựa chọn loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu, gắn với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt, phá rừng trái pháp luật. Thời điểm trồng phù hợp với mùa vụ để đảm bảo cây sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt.
6. Tiếp tục tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia thực hiện việc huy động trẻ đi nhà trẻ; thực hiện tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhóm trẻ bằng hình thức xã hội hóa. Vận động hội viên, nông dân ủng hộ cơ sở vật chất cho các trường học; ủng hộ sản phẩm thực phẩm, nông sản an toàn cho các điểm, nhóm trẻ trên địa bàn.
7. Tuyên truyền về hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ cho hội viên nông dân
Chế phẩm vi sinh SUMITRI xử lý rơm rạ thành phân bón ngay tại ruộng của Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Phương Nam ứng dụng trong sản xuất theo hướng an toàn. Những ưu điểm vượt trội: Giảm chi phí phân bón 20-30%; thuốc bảo vệ thực vật từ 2-4 lần phun thuốc/vụ; công lao động. Tăng năng suất từ 10%-15%; nâng cao hiệu quả kinh tế từ 4-6 triệu/ha và giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ. Chế phẩm vi sinh SUMITRI đã cung ứng cho trên 20 xã; các xã đã ứng dụng, sử dụng cho hiệu quả rõ rệt như: Yên Nguyên (Chiêm Hóa), Thượng Lâm (Lâm Bình), Thắng Quân (Yên Sơn),... Ngoài ra: Chế phẩm vi sinh OREMINA-Plus, Bio-POBO, Aqua-Probio-Max: dùng để phối trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, chăn nuôi thủy sản giúp tăng hiệu suất tiêu hóa, giảm mức ô nhiễm chất bài tiết của các loại vật nuôi. Việc cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh giúp nông dân giảm bớt áp lực về vốn sản xuất, không mua phải phân giả, kém chất lượng, đã góp phần nâng cao năng xuất, hiệu quả, chất lượng của các loại cây trồng.
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tư vấn, đăng ký quầy hàng tiện ích và mua chế phẩm sinh học liên hệ với đ/c Lê Đình Chính, điện thoại 0979.323.099./.
Ban Biên tập