Lão nông Phùng Minh Hiếu, thôn Nà Mu năm nay đã ngoài 50 tuổi. Khuôn mặt phúc hậu, cởi mở, ông tự hào, nuôi lợn đen thương phẩm có lẽ là cái nghiệp mà ông chọn gắn cả cuộc đời.
Tháng 11 Âm lịch thời tiết vùng cao rét căm căm. Bên chén trà Phia Chang đang bốc khói, ông Hiếu chậm rãi kể cho phóng viên nghe về hành trình khởi nghiệp “không giống ai” của mình. Năm 1998, ông Hiếu ra ở riêng, được cha mẹ tặng cho 3 con lợn nái giống làm vốn khởi nghiệp cùng mảnh đất bên khe suối. Ông lo lắm, chạy vạy khắp nơi, xoay đủ nghề để làm kinh tế, nhưng dù thiếu thốn, 3 con lợn luôn được ông nâng niu, chăm bẵm kỹ lưỡng.
Ông kể, ngày ấy nuôi lợn mọi thứ đơn sơ chứ không đủ đầy như bây giờ, chỉ chăn lợn bằng rau lang, bằng cây chuối rừng chặt về, ấy thế mà đàn lợn vẫn cứ lớn nhanh như thổi, sự may mắn mỉm cười, đến năm 2002, ông Hiếu có trong tay đàn lợn gần 30 con, nhiều nhất thôn Nà Mu khi đó.
Biết được nhu cầu thị trường thích sản phẩm từ lợn đen bản địa, khác với người làng, chỉ nuôi vài ba con lợn để phục vụ gia đình, ông Hiếu mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi quy mô lớn, ông là người đầu tiên trong thôn nuôi theo hướng hàng hóa. Ông nói, 2 vợ chồng đều lên rừng tự đốn cây về làm chuồng trại, tận dụng diện tích đất gần khe suối để trồng chuối, trồng rau lang nhằm đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi.
Đàn lợn của gia đình ông Hiếu luôn được chăm sóc cẩn thận.
Bồi hồi nhớ lại câu chuyện năm 2014, toàn thôn Nà Mu có đợt dịch tả lợn, là người chăn nuôi nhiều nhất thôn, ông Hiếu hao hụt mất gần 1/3 đàn lợn với gần 20 con. Ông Hiếu cho biết, nhưng đó cũng là bài học để ông chú ý hơn vào công tác phòng dịch, có lẽ số ông may mắn, đang loay hoay tìm giải pháp trong đợt dịch thì tình cờ ông được một người bạn ở thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) chỉ cho cách dùng bỗng rượu để hỗ trợ hệ tiêu hóa cho đàn lợn. Đây cũng là cách phòng dịch thường xuyên cho đàn lợn khỏe mạnh, ông dí dỏm, cũng từ năm đó nghề nấu rượu bắt đầu bén duyên đến gia đình ông và nhiều người dân trong thôn Nà Mu.
Cách làm mới, tư duy mới và đặc biệt là làm tốt công tác phòng dịch, từ năm 2016, năm nào gia đình ông Hiếu cũng xuất chuồng trên 1 tấn lợn thịt, thu về khoảng 70 triệu đồng, dịp cận Tết thương lái khắp nơi đổ về thu mua lợn rộn rã cả đầu thôn. Người làng thấy cách nuôi lợn hàng hóa của ông Hiếu mang lại hiệu quả, họ bắt đầu làm theo, ai khó khăn về chuồng trại, về con giống và chăm sóc ông Hiếu đều sẵn lòng giúp đỡ. Ông kể, năm 2018, thôn Nà Mu đã có trên 50 hộ chăn nuôi lợn đen, quy mô từ vài con đến hàng trăm con lợn.
Trong căn nhà khang trang mới hoàn thành vào năm 2022 với số tiền gần 1 tỷ đồng, ông Hiếu phấn chấn, hiện gia đình ông đang duy trì quy mô nuôi 100 con lợn đen, dự kiến sẽ có khoảng 3 tấn lợn thịt để bán dịp Tết Nguyên đán, hiện có nhiều thương lái đã “lăm le” bao tiêu cả đàn lợn. Không đâu như ở Nà Mu, nuôi lợn đen chỉ sợ không đủ sản phẩm để cung cấp chứ bị “ế” thì bao năm chưa gặp bao giờ.
Chăn nuôi sạch để giữ thương hiệu
Đồng chí Hà Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, thôn Nà Mu nổi tiếng với các mô hình chăn nuôi lợn đen đặc sản, lúc cao điểm có trên 1.500 con lợn, nghề nuôi lợn đen hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế tích cực, doanh thu mỗi năm đạt khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Toàn thôn hiện có khoảng 10 triệu phú nuôi lợn có doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng như gia đình anh Phùng Xuân Chiến, Phùng Thừa Khuôn, Triệu Trung Khé, quy mô nuôi từ 50 đến 100 con lợn. Từ lợn đen, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững, người chăn nuôi ở thôn đều ngầm quy ước quyết tâm nuôi lợn sạch để giữ thương hiệu bền vững. Toàn thôn hiện có 3 ha chuối và rau lang dùng để làm thức ăn
Nguồn thức ăn cho lợn đen tại thôn Nà Mu đa số là chuối và các loại rau xanh.
Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Nà Mu Triệu Thị Sếnh được người dân quen gọi “cô Sếnh lợn giống”. Tuy mới khởi nghiệp từ nuôi lợn đen được chừng 10 năm, nhưng gia trại cung cấp lợn đen giống của gia đình chị Sếnh được khắp nơi tin tưởng. Căn nhà của chị nằm tận đỉnh núi, bên cạnh điểm trường Mầm non Nà Mu, vang lên tiếng trẻ ê a đọc bài. Chỉ tay lên dãy chuồng trại nằm cách xa khu dân cư, chị Sếnh bảo, mô hình chăn nuôi lợn đen của chị đầu tiên phải đảm bảo vệ sinh môi trường và đặc biệt là nguồn thức ăn đều sạch để giữ thương hiệu về sau.
Chị Sếnh kể, năm 2014, chị khởi nghiệp từ 10 con lợn giống mua tận xã Yên Hoa (Na Hang) với số tiền 10 triệu đồng. Tự tay nhân đàn, đến năm 2016 chị Sếnh có trong tay đàn lợn gần 40 con, khác với nhiều người trong thôn chọn nuôi lợn thịt chị lại tập trung bán lợn giống. Chị Sếnh chia sẻ, có lẽ hướng đi riêng nên kinh tế gia đình khá ổn định, mỗi năm chị đều xuất bán trên 150 con lợn giống, doanh thu khoảng trên 100 triệu đồng.
Để có nguồn thức ăn đảm bảo, ngoài việc trồng chuối, trồng ngô và các loại rau, chị Sếnh còn chủ động mua máy xay xát vừa phục vụ bà con vừa tận dụng nguồn vỏ trấu làm thức ăn chăn nuôi. Góc nhà chị bày la liệt hàng chục can rượu ngô men lá, chị Sếnh chia sẻ, ai nuôi lợn trong thôn Nà Mu cũng đều nấu rượu, vừa giúp nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn vừa có thêm thu nhập những lúc nông nhàn.
Tết năm nay có lẽ ông Phùng Thừa Văn dường như vui hơn. Ông Văn kể, gia đình thuộc diện khó khăn, năm 2017, ông vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang số tiền 20 triệu đồng, ông đầu tư chuồng trại và mua giống lợn đen về nuôi. Được sự giúp đỡ của những người đi trước, đàn lợn của gia đình ông Văn tăng nhanh về số lượng, lúc cao điểm lên đến gần 40 con lợn. Năm 2021, ông đã trả được hết nợ ngân hàng và năm 2024, gia đình ông đã có đơn xin thoát nghèo và được chấp thuận. Ông bảo, nuôi lợn đen thực sự mang lại hiệu quả, chỉ cần chăm chỉ, giữ chuồng trại sạch sẽ, thức ăn đảm bảo là sẽ thành công.
Thực tế, thay vì nuôi bằng cám tăng trọng như nhiều nơi, người dân Nà Mu lại chăn nuôi chủ yếu bằng thức ăn dân dã như chuối, ngô, rau lang và bỗng rượu. Trưởng thôn trẻ Phùng Văn Phấy cho biết, có lẽ vì nuôi lợn sạch nên con lợn ở Nà Mu 9 tháng mới được xuất bán, chậm hơn nuôi cám tăng trọng khoảng 3 tháng. Tuy nhiên chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, thương lái khắp nơi từ TP Tuyên Quang đến các huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình cũng tìm đến để đặt hàng.
Hồi đầu năm 2024, thôn Nà Mu vừa trải qua đợt dịch tả lợn Châu Phi khiến nhiều hộ dân lao đao. Hiện nhiều hộ dân đang tận dụng những ngày thời tiết hanh khô dịp cuối năm sửa sang lại chuồng trại, phun khử khuẩn để chuẩn bị tái đàn vào đầu năm mới. Trưởng thôn Phấy chia sẻ, thu nhập của người dân hiện vẫn dừng ở mức 28 triệu đồng/người/năm, hy vọng việc phát triển lợn đen cùng nghề nuôi ong, làm măng khô đặc sản, người dân Nà Mu sẽ sớm vươn lên khá, giàu.
Lê Duy