Vừa làm chủ, vừa làm "tớ"
Vùng bưởi xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đang thay đổi từng ngày. Người trồng bưởi đã thay đổi cách chăm sóc vô cơ sang hữu cơ và hướng hữu cơ, đây là thành quả vận động của anh Tạ Hữu Quang, Giám đốc HTX Trái cây hữu cơ Phúc Ninh. Anh Quang bảo, "cuộc sống càng phát triển thì người tiêu dùng càng quan tâm đến an toàn đối với sức khỏe vì thế tôi nghĩ phải chuyển đổi sang sản xuất sạch".
Vậy là tháng 8-2018, HTX Trái cây hữu cơ Phúc Ninh (Yên Sơn) được thành lập với 12 hộ gia đình tham gia. Bởi đây là mô hình mới, nên khi mới thành lập, người dân còn đứng ngoài nghe ngóng tình hình xem có hiệu quả không. Tuy nhiên sau 1 năm đi vào hoạt động, thấy mô hình hữu cơ cho chất lượng quả cao hơn, giảm chi phí vật tư phân bón, thuốc trừ sâu và quan trọng bảo vệ sức khỏe người trồng nên đã có thêm 5 hộ xin tham gia.
Anh Triệu Văn Đoan (bên trái) Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Giám đốc HTX chè Tân Thượng, xã Lương Thiện (Sơn Dương) vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường.
Tham gia HTX đã liên kết với các đơn vị hỗ trợ nông dân được tư vấn sản xuất về sản phẩm nông nghiệp sạch; cùng đồng hành liên kết kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 13 ha bưởi của HTX đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Với sản phẩm bảo đảm chất lượng, HTX tự tin cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ.
Trung bình 1 ha bưởi cho doanh thu 800 triệu đồng đến khoảng 1 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với trồng bưởi thông thường. Riêng gia đình anh Quang có 13 ha diện tích cây ăn quả trồng theo mô hình hữu cơ chuyển đổi, trong đó 3 ha cho thu hoạch, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Những cây nấm Linh Chi mọc tua tủa, cái nào cái ấy xòe như bàn tay, thẳng hàng nhau là loại nấm thảo dược được HTX nông nghiệp Tuấn Cường, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) đang trồng thử nghiệm. Anh Bùi Khánh Cường, Giám đốc HTX cho biết, trước HTX chỉ trồng nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Nhưng với mong muốn trồng đa dạng các loại nấm, vừa nâng cao thêm thu nhập vừa có hướng đi lâu dài nên từ đầu năm 2023 HTX đã đưa vào trồng mới nấm Linh Chi.
Nấm Linh Chi từ lúc cấy phôi đến khi thu hoạch khoảng 60 ngày, với giá bán dao động từ 500 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/1 kg khô. Do đó, thu nhập sẽ cao hơn so với các loại nấm ăn thông thường.
Anh Bùi Khánh Cường, Giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Cường, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) kiểm tra nấm Linh Chi.
Gánh việc thôn
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn được anh Triệu Văn Đoan, Giám đốc HTX chè Tân Thượng, xã Lương Thiện (Sơn Dương) đảm nhiệm. Anh Đoan cho biết thôn Tân Thượng có 79 nóc nhà người Dao, sống bao quanh 9 quả đồi với 340 ha rừng sản xuất và trên 11 ha chè. Người Dao ở đây quanh năm làm chè, làm rừng, cũng vì thế mà một nửa thôn có nhà xây đẹp trị giá từ 500 triệu đồng đến cả tỷ đồng.
Thôn Tân Thượng đang làm nhà văn hóa theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", mở rộng đường giao thông 7,5 m, trong đó 3,5 m được bê tông. Anh Đoan đã cùng cán bộ thôn vận động người dân hiến đất, góp công, góp của. Chỉ tay vào con đường đang được san ủi còn hăng mùi cây vừa chặt và mùi đất mới, anh Đoan bảo, "người dân đã chặt cây rừng chưa đến tuổi khai thác, phá rào để hiến gần 2.000 m2 đất để làm đường rộng; tự nguyện đóng góp trên 200 triệu đồng làm nhà văn hóa thôn".
Anh cho biết thêm, qua 4 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, anh Đoan đã nhận thấy chè của thôn được nhiều thương lái tỉnh bạn sang đặt hàng mà không xây dựng "thương hiệu" thì đáng tiếc. Nghĩ vậy, anh đã mạnh dạn thành lập HTX chè Tân Thượng để xây dựng "thương hiệu". Anh Đoan phân tích, chè Tân Thượng ngon chắc do nguồn nước và chất đất. Thôn giáp ranh đất Thái mà. Hiện chè loại 1 của HTX có giá bán 500 nghìn đồng/1kg. Hy vọng chè Tân Thượng đến được với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, để mọi người biết đến có một vùng chè ngon tại bản Dao - Tân Thượng.
Chị Nguyễn Thị Tĩnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm giới thiệu sản phẩm cam sấy của HTX.
Chuyện về nữ Bí thư Chi bộ, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm Nguyễn Thị Tĩnh, thôn Tháng 10, xã vùng cao Yên Lâm (Hàm Yên) được nhiều người ngưỡng mộ. Với vai trò Bí thư Chi bộ, chị Tĩnh đã quan tâm nâng cao chất lượng chi bộ, phát triển đảng viên, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở khu dân cư. Chi bộ đã lãnh đạo thôn làm hơn 1.000 m đường bê tông, vận động người dân phát triển trên 100 ha cam, trên 40 ha rừng sản xuất…
Xuất phát từ người nông dân trồng cam cộng với vai trò Bí thư Chi bộ thôn nên chị bao quát về tình hình phát triển cây cam cũng như đời sống của người trồng cam của thôn. Chị Tĩnh chia sẻ: "Ngày trước, quả cam phụ thuộc thương lái. Quả cam loại đẹp, chuẩn loại 1 thì mới có giá chứ loại 2, loại 3 bán rẻ như cho. Thấy tiếc công sức của người dân nên năm 2021 tôi đã mạnh dạn thành lập HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm với kỳ vọng trồng và chế biến cam theo hướng nông nghiệp tốt để nâng cao giá trị cho quả cam".
HTX hiện có hơn 49 ha cam trồng theo hướng VietGAP với 16 thành viên tham gia, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 600 tấn cam. Ngoài bán cam tươi, HTX đã sấy cam thành phẩm, từ năm 2022 đến nay, HTX đã cung ứng ra thị trường hơn 2 tấn cam sấy với giá bán dao động 150 - 200 nghìn đồng/kg và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Bình Định, TP Hồ Chí Minh… Tham gia HTX, bà con có thêm nguồn thu nhập ổn định từ bán cam sấy khô, áp lực tiêu thụ cam tươi vào cao điểm thu hoạch cũng được giảm bớt.
Câu chuyện về những giám đốc HTX là nông dân này khiến mọi người thán phục bởi ở họ không chỉ dám nghĩ, dám làm mà còn nhiệt tình, trách nhiệm. Họ là những nông dân thực thụ nhưng đã "lột xác" để thích ứng với sự phát triển.
Phóng sự: Nguyễn Tâm