Thất bại vì đầu ra
Thôn Khau Tinh, xã Khâu Tinh được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao, cây cối ở đây quanh năm tươi tốt, nhưng do đường giao thông đi lại khó khăn nên việc phát triển kinh tế còn nhiều cái khó. Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Khâu Tinh, Bàn Văn Ta ngậm ngùi mở đầu câu chuyện như thế.
Anh kể, năm 2019 Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang có chủ trương đưa giống cây rau bắp cải vào trồng trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo tại xã Hồng Thái và xã Khau Tinh thuộc nguồn vốn mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 275/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi triển khai, người dân trong thôn Khau Tinh ai cũng hăm hở, cá nhân anh cũng vậy. Sức trẻ, sự năng động, anh bàn cùng mọi người thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ Khâu Tinh gồm 11 thành viên, triển khai trồng 8 ha rau bắp cải trên diện tích đất ngô sẵn có của các hộ gia đình.
Anh Bàn Văn Ta, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Khâu Tinh (Na Hang).
Ngày đó mới trồng, diện tích rau bắp cải phát triển tốt, toàn thôn Khau Tinh vui như mở hội, nhà nào ít cũng được trên 30 triệu đồng, nhà nhiều cũng được ngót 100 triệu đồng. Ông Vi Văn Tranh, thôn Khau Tinh bồi hồi nhớ lại, ngày đó ông là người trồng nhiều rau nhất xã với trên 0,8 ha, nhớ mãi vụ rau năm 2020, ông có thu nhập được gần 100 triệu đồng, ông trả được nợ ngân hàng, đang ý định xin thoát nghèo. Ấy thế đến giữa năm 2021, cây rau bắp cải bắt đầu không có đầu ra, cây bị quá lứa nằm lâu ở ruộng, gặp mưa nên thối toàn bộ. Nhiều hộ dân xì xào và quyết định phá bỏ rau quay lại với cây ngô, tuy thu nhập thấp nhưng sẽ không bị đói.
Hàng trăm tấn bắp cải phải bỏ phí do không có đầu ra, có những chuyến hàng, thương lái lên thu mua với giá rẻ nhưng vận chuyển về đến địa điểm tiêu thụ thì cây dập nát, thối rỗng toàn bộ, bởi ngày đó người dân không biết cách bảo quản, cách xếp sắp sản phẩm sau thu hoạch, đường sá khó khăn nên bóng thương lái cứ ít dần. Năm 2022, HTX dường như không hoạt động, con số 11 thành viên giữ mãi còn có 7 người.
Các thành viên HTX đang kiểm tra, chăm sóc cây ớt đang kỳ cho quả.
Khởi sắc
Chủ tịch UBND xã Khâu Tinh, Nguyễn Văn Hùng bùi ngùi, cây rau bắp cải ngày đó không có đầu ra, người dân cũng trồng thêm chanh để xoay hướng đi nhưng vẫn thất bại. Cầm chai cao chanh, anh dí dỏm, cái này người dân sáng tạo ra cũng bởi không có đầu ra nên làm để sử dụng cả năm và cũng đỡ phí sản phẩm.
Từ năm 2022, sau khi người trồng rau bắp cải tại thôn Khau Tinh tưởng chừng đi vào ngõ cụt, người mặn mà thì trồng vào luống để dùng trong gia đình. Chính quyền xã cũng đích thân đi mời gọi các đơn vị bao tiêu sản phẩm cho người dân nhưng đều thất bại, nhiều đơn vị đến khảo sát nhưng đều "một đi không trở lại" hoặc có thu mua thì giá cũng vô cùng rẻ do chi phí vận chuyển quá cao.
Mãi đến tháng 1 - 2023, Công ty cổ phần Hornetco Việt Nam (HNC) có trụ sở tại Hà Nội sau khi đi khảo sát và quyết định ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với bà con trong thôn Khau Tinh với diện tích dự kiến 5 ha. Giám đốc Bàn Văn Ta kể, khi phía công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, anh vừa vui vừa lo, bởi vụ trồng bắt đầu từ tháng 2 nếu không đảm bảo yêu cầu sẽ vi phạm hợp đồng. Anh đi vận động 6 thành viên còn lại trong HTX, ai cũng lắc đầu, ai cũng sợ câu chuyện đầu ra từ vài năm trước. Không thể đứng nhìn, anh Ta chủ động làm trước trên diện tích 0,5 ha đất của gia đình.
Là người ham học hỏi, anh đi tham quan các mô hình trồng rau tại huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa, trực tiếp học hỏi từ cán bộ kỹ thuật của công ty cách trồng cây bắp cải, ớt theo đúng quy trình sạch của công ty đề ra. Anh bảo, mình với cương vị đứng đầu mà không làm thì khó vận động, sau vài tháng thấy anh Ta làm hiệu quả, các thành viên bắt đầu nghe theo và cải tạo đất để trồng.
Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Khâu Tinh kiểm tra diện tích bắp cải chuẩn bị thu hoạch.
Gia đình anh Phùng Văn Minh là người đầu tiên trong HTX quyết tâm làm lại. Anh Minh tâm sự, gia đình là hộ nghèo, vụ rau mấy năm trước anh mắc nợ thêm cũng vì không có đầu ra, nhưng khi thấy sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã, sự chung tay của phía công ty, anh Minh đã quyết tâm làm, vụ rau năm nay, anh có 0,7 ha đất trồng rau bắp cải và ớt, thu về khoảng trên chục tấn rau, năm nay, dự kiến thu nhập cũng được gần 70 triệu đồng. Anh mong với cách làm "an toàn" trồng rau sẽ giúp gia đình dần khấm khá.
Theo đại diện kỹ thuật phía Công ty Hornetco Việt Nam, đất tại thôn Khau Tinh có độ PH giàu dinh dưỡng, phù hợp phát triển các loại rau màu. Anh Bàn Văn Lương, cán bộ kỹ thuật chia sẻ, sản phẩm rau an toàn của HTX đều đạt yêu cầu về mẫu mã và chất lượng sản phẩm, công ty đã đưa vào hệ thống các siêu thị dưới Hà Nội và được đánh giá cao. Với giá thu mua bắp cải khoảng 5.000 đ/kg, ớt khoảng 8.000 đ/kg, người dân hoàn toàn yên tâm sản xuất. Dự kiến đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 50 ha để làm vùng sản xuất rau an toàn, đào tạo được người dân chủ động sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Sau những vụ rau "đầu xuôi đuôi lọt", Giám đốc Bàn Văn Ta phấn khởi nhiều lắm, năm nay dự kiến HTX sẽ thu hoạch đạt khoảng 250 tấn bắp cải, 30 tấn ớt, doanh thu đạt khoảng 300 triệu đồng. Dự kiến năm 2024, sẽ đưa thêm cây súp lơ và vài loại đỗ vào trồng, không bó hẹp ở thành viên HTX mà sẽ khuyến khích thêm nhân dân các thôn nếu đảm bảo yêu cầu.
Trồng rau quanh năm sẽ đối mặt với nguy cơ sâu bệnh hại mạnh nhất vào thời tiết giao mùa hè - thu. Cầm trên tay chai thuốc trừ sâu tự pha chế bằng tỏi, ớt và nước bồ hóng, anh Ta chia sẻ, phun thuốc này rất an toàn, nhưng phải làm nhiều lần mới sạch được sâu bệnh, tuy vất vả nhưng sẽ bền vững.
Trên những triền đồi thấp, những luống rau bắp cải đang kỳ thu hoạch to, tròn lẳn, những cây ớt xanh chỉ thiên, chỉ địa quả sai lúc lỉu, tương lai xã Khâu Tinh sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP bên cạnh sản phẩm bí thơm sẵn có như hiện nay. Chủ tịch UBND xã Khâu Tinh, Nguyễn Văn Hùng khẳng định, với hướng đi mới và bền vững, chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ giảm còn dưới 13% vào cuối năm nay.
Lê Duy