Ngọt ngào hồng mọng
Dưới chân núi đá vôi Yên Lĩnh, bức tranh xóm 5, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) hiện lên với những cây hồng mọng mùa thu sai trĩu quả. Bà con nơi đây vẫn quen gọi là "hồng lười" bởi cây hồng hợp đất, hợp khí hậu cứ thế lớn lên với 4 không: không chăm bón, không tưới nước, không thuốc trừ sâu, không thuốc bảo vệ thực vật.
Người dân xóm 5, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) thu hoạch hồng mọng.
Ghé thăm gia đình ông Trần Huy Ơn, người đầu tiên mang giống cây về trồng tại đất Tràng Đà, những quả hồng chín sớm bắt đầu đỏ rực trên cao như thắp những ngọn đèn trên cây. Nhấp ngụm nước trà, ông Ơn nhớ lại: Quê ông vốn ở xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nổi tiếng với 3 thứ đặc sản đó là cá kho, chuối ngự và giống hồng mọng chín đỏ ngọt thơm. Năm 1994, ông mang 2 mắt ghép hồng mọng từ quê ghép với cây hồng quả nhỏ địa phương. Cây hợp đất, hợp khí hậu, chịu được hạn, chịu được rét cứ thế lớn lên và cho quả thơm ngọt. Dần dần các cây hồng cổ chất lượng thấp trong gia đình được cải tạo. Bà con xóm giềng ghé ăn thưởng thức quả ngọt thơm lại xin giống về trồng. Ông Ơn cũng nhiệt tình gây giống cây mới, chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cho bà con.
Gần 30 năm, bà con nông dân dưới chân núi đá vôi Yên Lĩnh thử nghiệm trồng hơn 10 loại hồng, thế nhưng cây hồng mọng vẫn sống bền bỉ và cho năng suất, chất lượng cao nhất. Bà Lê Kim Dung, xóm 5, xã Tràng Đà bảo rằng, từ khi hồng Tràng Đà được chứng nhận VietGAP, được công nhận thương hiệu thì nhiều người biết đến hơn. Vào tuần rằm, thương lái khắp nơi đổ về đông như hội. Người buôn quả chín, người thì tìm mua cả cành về cắm bình trang trí. Quả hồng trước nay vẫn đẹp và thơm ngon, ngọt ngào như thế. Nâng niu trên tay một quả hồng chín đỏ thơm hương mà bà cảm thấy như mang cả mùa thu về nhà...
Đi trong vườn hồng xanh mát, ai biết được rằng những cành lúc lỉu, sai trĩu kia đều tự thân nó lớn lên, phát triển. Bà Dung bảo, quả hồng xanh có vị chát đặc trưng nên chẳng có loài côn trùng nào lại gần. Thời điểm chín rộ, những trái trên cao chưa kịp thu hoạch rụng dưới gốc cây, khi đó chim muông mới lại gần. Một thức quả đặc biệt dạy con người ta bài học đầu tiên về sự đợi chờ... Quả hồng chín mọng có lớp vỏ trong, vị ngọt tuôn ra theo từng thớ hồng mềm mại, mát lạnh, mượt mà như mùa thu vốn dịu dàng như thế...
Thức quả mùa thu
Từ rất lâu đời, trong mâm cỗ trung thu, quả hồng như một sản vật không thể thiếu của mùa trăng. Ngoài giống hồng mọng Tràng Đà, Tuyên Quang còn nổi tiếng với hồng ngâm không hạt Xuân Vân (Yên Sơn). Vào mùa, cây hồng cho quả sai, quả chín có màu vàng, thịt quả vàng cam, thơm giòn, ngọt đậm.
Hồng ngâm Xuân Vân bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Thời điểm này, gia đình bà Lục Thị Nho, thôn Đô Thượng 3, xã Xuân Vân (Yên Sơn) đang bắt đầu thu hoạch những quả hồng chín. Bà bảo, kinh nghiệm để quả hồng ngon đó là sau khi thu hái xong phải rửa ngay bằng nước sạch rồi mới đưa vào ngâm. Quả hồng mỗi ngày phải được thay nước một lần. Bao giờ đủ 2 ngày 2 đêm, 6 tiếng để ráo hồng, bổ quả thấy ánh cát, thơm vàng thì mới đạt. Cứ độ cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch, thương lái khắp nơi đổ về đây buôn hồng. Không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh, quả hồng giòn còn được thực khách ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh... ưa chuộng bởi hoàn toàn sạch và thơm ngon.
Gần đây, người dân một số địa phương ở thành phố, Yên Sơn cũng bắt đầu bảo tồn, nhân rộng và phát triển cây hồng da tre, hồng trứng, hồng giòn… Chị Ngô Thị Mai, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) đã có 5 năm thu gom hồng da tre mỗi khi vào mùa. Chị bảo, hồng da tre ở đây đa phần là những cây hồng cổ, cao to. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách thưởng thức loại quả này. Quả hồng phải được hái khi đã già, vỏ căng rồi xếp vào hộp kín ủ chín tự nhiên. Hồng da tre khi chín vỏ sẽ trong như lớp vỏ ngoài của thân tre già, màu vàng óng ánh tựa mật, vị ngọt thơm đậm đà với mùi hương quyến rũ của đường đen tự nhiên. Người thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi…
Không chỉ là thức quả ngọt ngào, quả hồng được nhiều người ưa chuộng bởi nó thực sự là "báu vật" của mùa thu với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, tốt cho sức khỏe. Dịp trung thu này, du khách thập phương đến với Tuyên Quang không chỉ được ngắm nhìn những mô hình đèn khổng lồ mà còn có thể thưởng thức những quả hồng mọng ngọt ngào, trái hồng ngâm giòn thơm đậm vị. Không những thế, ghé thăm những vườn hồng cổ thụ xanh mát, cùng nhau hái quả chín trên cây cũng sẽ là trải nghiệm đáng nhớ dành cho du khách trong mùa thu này.
Quả hồng bắt đầu chín rộ từ đầu tháng 7 âm lịch cho đến rằm trung thu. Những năm gần đây, việc trồng và phát triển cây hồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Việc liên kết thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm đã và đang được các địa phương đẩy mạnh qua đó góp phần ổn định thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.
Phóng sự: Thùy Lê