Các học viên lớp chăn nuôi cá tại xã Tân Thành (Hàm Yên) được hướng dẫn sử dụng
một số loại thuốc phòng, điều trị bệnh cho cá. |
9 tháng năm 2017, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cùng Hội Nông dân các huyện, thành phố đã phối hợp tổ chức được 29 lớp dạy nghề cho gần 1.000 hội viên nông dân. Các lớp dạy nghề về lĩnh vực nông nghiệp như chăn nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và chăm sóc cây ăn quả, lĩnh vực phi nông nghiệp như kỹ thuật làm chổi chít, sửa chữa máy nông nghiệp. Đa số những học viên kết thúc khóa học đã áp dụng kiến thức học được vào thực tiễn sản xuất.
Cùng 35 học viên nông dân lớp dạy nghề chăn nuôi cá do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân mở tại xã Tân Thành (Hàm Yên) đi tham quan mô hình nuôi cá lồng và nuôi cá ao trên địa bàn xã mới thấy hết sự hào hứng của các học viên. Anh Nguyễn Văn Đoàn, ở thôn 1 Việt Thành, xã Tân Thành cho biết, gia đình anh có 2 sào ao. Do thiếu kinh nghiệm nuôi cá nên anh chỉ thả ít cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Qua lớp học này, anh lĩnh hội nhiều kiến thức về nuôi cá từ chuẩn bị ao nuôi, chọn giống, mật độ nuôi, xử lý nguồn nước, phòng các loại bệnh trên cá đạt hiệu quả. Đây là cơ sở để anh đầu tư cải tạo ao và thả nuôi các loại cá thịt, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Là một trong 20 hội viên nông dân xã Chân Sơn (Yên Sơn) học lớp trồng và chăm sóc cây ăn quả, ông Lý Thanh Đường, dân tộc Cao Lan, ở thôn Trường Sơn vui mừng, 3 năm trở lại đây, ông đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn tạp sang trồng 100 gốc bưởi da xanh. Ban đầu với kinh nghiệm “học mót” nên ông đã nhiều lần mất tiền oan khi phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây bưởi. Vì không “bắt” đúng bệnh hại dẫn đến sử dụng không đúng loại thuốc nên hiệu quả phòng trừ sâu, bệnh thấp, vừa tốn tiền, vừa mất công phun lại lần 2, lần 3. Sau hơn 1 tháng học, ông đã có những kiến thức cơ bản, tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất từ quá trình theo dõi sinh trưởng, phát triển của cây, kỹ thuật nhân giống và thay thế cây già cỗi, cây kém hiệu quả bằng phương pháp ghép cành, cách phòng trừ sâu bệnh hại hiệu quả bằng các chế phẩm sinh học để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn. Ông tự tin sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi trong thời gian tới.
Ông Ngọc Đình Dân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chân Sơn cho biết, toàn xã hiện có gần 40 ha cây ăn quả gồm bưởi, ổi, cam, thanh long tập trung ở các thôn Trường Sơn, Hoàng Sơn, Tân Sơn, Kim Sơn, Sơn Động... Thực tế trên địa bàn xã chưa nhiều mô hình trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao do quy mô các vườn nhỏ lẻ, các chủ vườn thiếu kinh nghiệm thâm canh dẫn tới năng suất, chất lượng quả còn hạn chế. Các học viên tham gia lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây ăn quả vừa qua đều là những người tâm huyết, có ý chí làm giàu, thái độ học tập nghiêm túc. Qua đó, giúp các hội viên tiếp tục đầu tư phát triển tăng diện tích cây ăn quả, phát huy hết tiềm năng thế mạnh địa phương.
Bài, ảnh: Lý Thịnh