Quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương thông qua hoạt động văn hóa, du lịch là một trong những cách hiệu quả để giới thiệu các mặt hàng của địa phương đến với người tiêu dùng. Nhiều năm nay, các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của tỉnh như cam sành Hàm Yên, rượu ngô Na Hang, thịt trâu gác bếp, măng khô Tuyên Quang, bánh gai Chiêm Hóa... đã được nhiều du khách biết đến và lựa chọn làm quà mỗi khi đến Tuyên Quang. Hàng năm, trong các dịp tổ chức hội chợ thương mại - du lịch, các gian hàng giới thiệu đặc sản tiêu biểu của tỉnh luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua hàng.
Du khách lựa chọn sản phẩm đặc sản địa phương làm quà tặng.
Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023 tiếp tục hứa hẹn sẽ mang đến nhiều sản phẩm đặc sản địa phương đến với du khách. Đồng chí Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, huyện đã thống nhất lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện để quảng bá đến người tiêu dùng. Trong đó có các loại trái cây như hồng không hạt Xuân Vân, na Lực Hành, nhãn Thái Bình, bưởi, ổi lê... Ngoài ra, hơn 10 loại bánh truyền thống đến từ làng bánh Vân Giang như bánh gai, bánh gấc, bánh dày, bánh rán, bánh tẻ, bánh cốm... cũng sẽ tiếp tục được giới thiệu đến với đông đảo người dân và du khách trong dịp lễ hội này.
Trà thảo mộc Xạ đen và Măng khô Mỹ Bằng - sản phẩm Ocop huyện Yên Sơn.
Chị Huỳnh Thị Tố Giang, thành phố Yên Bái (Yên Bái) cho biết, mặc dù Tuyên Quang và Yên Bái đều là tỉnh miền núi, có nhiều điểm tương đồng thế nhưng mỗi lần ghé thăm Tuyên Quang chị vẫn lựa chọn đặc sản như măng khô rối, cam sành, rượu ngô về làm quà. Những sản phẩm này có hương vị và nét đặc trưng riêng không bị lẫn với những vùng miền khác. Đặc biệt sản phẩm đặc sản đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Trà túi lọc Đậu đen xanh lòng - sản phẩm Ocop của huyện Chiêm Hóa.
Tại nhiều địa phương, cùng với sự phát triển loại hình du lịch lưu trú gắn với cộng đồng, khách du lịch còn được trải nghiệm làm các đặc sản địa phương như giã cốm, làm bánh, làm cơm lam, đan lát, đánh bắt cá... Đây cũng là một hình thức quảng bá thiết thực góp phần làm tăng giá trị sản phẩm đặc sản của địa phương. Anh Hoàng Văn Minh, chủ homestay Tài Ngào, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) nói, cùng với việc quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng địa phương, anh cũng kết hợp giới thiệu các món ăn đặc sản của địa phương, kết nối và tìm kiếm quà tặng cho khách lưu trú có nhu cầu. Nhiều sản phẩm OCOP Lâm Bình được du khách ưa chuộng như thịt chua, cá lăng nướng, măng khô, dầu lạc, rượu thóc, rau bò khai... thường xuyên được khách đặt mua làm quà tặng khi về.
Hồng mọng - sản phẩm Ocop xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang.
Cùng với việc quảng bá sản phẩm trực tiếp, hiện nay các doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã cũng tích cực quảng cáo sản phẩm đặc sản địa phương trên các trang thương mại điện tử và nền tảng công nghệ số khác. Không chỉ vậy, mỗi người dân khi đăng tải hình ảnh, video chia sẻ các công thức nấu, thưởng thức, cung cấp thông tin về đặc sản địa phương cũng là một trong những hình thức quảng bá đem lại hiệu quả tích cực trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.
Bánh gai - sản phẩm Ocop huyện Chiêm Hóa. Ảnh: Quang Hòa
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để quảng bá các sản phẩm đặc sản địa phương đến với du khách, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cũng tích cực quảng bá văn hóa, du lịch, nghệ thuật đặc sắc của địa phương thông qua các sản phẩm OCOP, thổ cẩm, các ấn phẩm giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực thương mại và du lịch.
Lạc nhân Chiêm Hóa - sản phẩm Ocop huyện Chiêm Hóa.
Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 đang đến rất gần, hy vọng du khách đến tham quan, vui chơi lễ hội sẽ lựa chọn được những sản phẩm đặc sản ưng ý cho bản thân và người thân của mình.
Thùy Lê