Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng bùng phát mạnh, nguy cơ tạo thành dịch bệnh cuối tháng 2 đến hết tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Trong hai loại vi rút gây bệnh, EV71 rất nguy hiểm, thường gây biến chứng đặc biệt nghiêm trọng, còn Coxsackievirus A16 chỉ gây ra triệu chứng nhẹ. Bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người thông qua đường tiêu hóa, tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng của người bệnh nên rất dễ lây lan, thường gặp ở các trường học, nhà trẻ.
Khi bị bệnh, trẻ có các triệu chứng như: Biếng ăn, sốt nhẹ, đau họng, thường xuyên quấy khóc, biểu hiện mệt mỏi và có thể bị tiêu chảy. Nếu nặng hơn, trẻ bị sốt cao, loét miệng, xuất hiện những nốt phát ban dạng phỏng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông. Nếu trẻ bị sốt cao mà không điều trị kịp thời rất dễ bị biến chứng nguy hiểm như: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, viêm não dẫn đến tử vong.
Để phòng tránh bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, phụ huynh cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ; tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, xì mũi... Khi nấu thức ăn, chăm sóc, thay tã cho trẻ, người lớn cũng cần vệ sinh tay và các dụng cụ sạch sẽ bằng xà phòng. Thực hiện ăn chín, uống sôi đối với trẻ nhỏ. Phụ huynh cần chú ý vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, các bề mặt mà trẻ hay tiếp xúc. Khi trẻ bị bệnh không cho dùng chung đồ với trẻ khác, tránh tiếp xúc gần và không cho trẻ đến trường, nơi đông người cho đến khi khỏi bệnh.
Theo Hà Nội mới