Mới đây, một tài xế xe khách tuyến TPHCM-Bình Thuận bị đột quỵ đi đang lái xe chở khách. Trước khi gục xuống, tài xế đã cố gắng dừng xe an toàn. Tài xế được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Ngày 5/9, một thầy hiệu trưởng ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cũng bất ngờ ngã quỵ khi đang đọc diễn văn khai giảng năm học mới 2023-2024. Mặc dù được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng thầy không qua khỏi.
Nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào và làm ngành nghề gì, thường xuất hiện ở người cao tuổi, nhưng hiện nay có xu hướng trẻ hóa.
Theo các chuyên gia y tế, phòng ngừa và điều trị phòng ngừa đột quỵ là quan trọng nhất, vì khi đột quỵ xảy ra, chỉ từ vài ba phút não thiếu oxy không hồi phục sẽ dẫn đến tử vong.
Nếu không may bị đột quỵ, người bệnh cần nhanh chóng được sơ cứu ban đầu và được đưa đến bệnh viện gần nhất trong thời gian sớm nhất.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, nguyên nhân của đột quỵ thường do chảy máu não, hoặc nhồi máu não, hoặc dị dạng mạch não vỡ.
Tuy nhiên, đối với những người trên 40 tuổi, tình trạng đột quỵ không chỉ liên quan đến các đột quỵ não, mà còn liên quan đến các biến cố tim mạch: Nhồi máu cơ tim cấp biến chứng loạn nhịp nặng và ngừng tim, vỡ phình tách động mạch, nhồi máu phổi cấp nặng… Đa số các trường hợp đột quỵ, nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi này liên quan đến bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.
Trong đó, những yếu tố nguy cơ gây bệnh huyết áp và xơ vữa động mạch là do tình trạng ăn uống không hợp lý, uống nhiều rượu bia, hút nhiều thuốc lá, thừa cân, béo phì… trong khi các hoạt động vận động giảm đáng kể.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình cho biết, qua một số thống kê ở Việt Nam những năm gần đây, tỉ lệ người mắc bệnh cao huyết áp tăng rất nhiều. Cứ 3 người trên 40 tuổi thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp, 2 người trên 50 tuổi thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp.
Bệnh tăng huyết diễn biến rất âm thầm, có người chịu đựng được nên bệnh thường bị bỏ qua, chủ quan cho rằng mình không thấy triệu chứng gì và thường hay tự giảm liều hay bỏ thuốc điều trị.
Theo Hội Tim mạch học Việt Nam, có khoảng 50% người bệnh bị tăng huyết áp nhưng không biết mình mắc bệnh. Trong số 50% người bệnh biết có bệnh, chỉ có 1/2 số bệnh nhân điều trị đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp.
Người bệnh mắc bệnh tăng huyết áp có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Trước tiên, khi huyết áp tăng, tim cần hoạt động nhiều hơn để bơm máu. Khi áp lực máu lên thành mạch cao sẽ gây tình trạng viêm và xơ vữa thành mạch. Tại tim, có thể gây ra các biến chứng như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim… Tại các mạch máu có thể gây ra xơ vữa mạch máu, làm tăng tình trạng xuất hiện các cục máu đông.
Ngoài ra, còn gây tổn thương các cơ quan khác có mạch máu như tình trạng đột quỵ não, thận, mắt… Tất cả các biến chứng do tăng huyết áp gây ra đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các chuyên gia y tế, những người ngoài 40 tuổi, đặc biệt người có sử dụng rượu bia, thuốc lá... cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và phải kiểm soát được huyết áp. Mọi người nên đo và biết được huyết áp của mình. Bên cạnh đó, có những việc rất dễ làm và không tốn kém để hạn chế tăng huyết áp, như ăn nhạt bớt (muối, mì chính, bột canh, nước mắm…), không để tăng cân, vận động mỗi ngày ít nhất 30 phút.
"Đa số, các ca bệnh đột tử đột ngột đều liên quan đến tim mạch bắt nguồn từ bệnh tăng huyết áp", GS.TS. Nguyễn Gia Bình cho biết.
Cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ
Theo GS.TS. Nguyễn Gia Bình, khi phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ, người dân nhanh chóng gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian chờ xe cấp cứu, đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên trên nền phẳng, nới lỏng quần áo, kéo lưỡi bệnh nhân để tránh tụt lưỡi ra sau gây tắc nghẽn đường thở. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống nước hay dùng thuốc, không áp dụng các phương pháp dân gian như cạo gió, chích 10 đầu ngón tay, vắt chanh vào miệng...
Nếu thấy bệnh nhân đột ngột hôn mê, sờ mạch cảnh, hoặc mạch bẹn không thấy đập thì phải ép tim ngoài lồng ngực ngay.
Việc sơ cứu ban đầu thành công sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của một ca cấp cứu, do vậy việc cấp cứu ngoài cộng đồng là rất cần thiết và cần được coi như kỹ năng sống của mỗi người.
Để hạn chế nguy cơ mắc đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người dân cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm (ví dụ mắc bệnh huyết áp thì điều trị bệnh huyết áp, các bệnh lý chuyển hoá, béo phì...); có chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt khoa học; không uống rượu, không hút thuốc lá; đặc biệt phải vận động hằng ngày…
Theo Chinhphu.vn