Các đồng chí chủ trì hội nghị
Dự hội nghị có lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cùng hơn 1.000 đại biểu tại các điểm cầu trực tuyến.
Đại diện hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đưa ra câu hỏi, kiến nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho cấp hội, cán bộ, hội viên, nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã đưa ra các câu hỏi, kiến nghị ở các nhóm vấn đề như: chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; những vướng mắc cần tháo gỡ về liên kết, hình thành và phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã; việc xử lý, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; việc kết nối, hỗ trợ nông dân nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và sức tiêu thụ trên thị trường; vấn đề quản lý, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hiện nay; những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi các chính sách cần phải hoàn thiện, tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm; vấn đề ổn định đời sống, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho nông dân trong quá xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với phát triển đô thị hoá; hoạt động của hội nông dân và các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hoạt động của hội...
Với tinh thần cởi mở, cầu thị, trách nhiệm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và lãnh đạo các ban, ngành liên quan đã trao đổi, trả lời các ý kiến, kiến nghị của các hội viên nông dân và các hợp tác xã.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 xác định "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới" là một trong ba khâu đột phá. Đảng bộ tỉnh luôn xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn nằm trong sự quan tâm, trong chiến lược phát triển của Đảng, nhà nước; luôn xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; chú trọng xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Đồng chí đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của hội viên, nông dân về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và mở rộng công nghệ, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản phẩm OCOP trong việc đăng ký bảo hộ và xác lập quyền sở hữu trí tuệ; hướng tới phát triển một số sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài (chè, gỗ rừng trồng,...). Cần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp, có nhiều điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Các cấp Hội Nông dân phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chú trọng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nhất là ở cơ sở, làm nòng cốt cho phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Đối với các ý kiến, kiến nghị tại buổi đối thoại, Bí thư tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành của tỉnh khẩn trương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân trong hoạt động chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ hoạt động của các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và các chính sách liên quan đến đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường vốn tín dụng. Rà soát các quy trình, hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các hộ nông dân và hợp tác xã. Đẩy mạnh hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh và cấp huyện giúp cho nhiều hội viên nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó tập trung giải quyết những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền, tháo gỡ dứt điểm những khó khăn trong hoạt động công tác Hội và tiếp cận chính sách để tham gia phát triển kinh tế tại cơ sở. Chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành có liên quan phải là chỗ dựa để người nông dân, các chủ trang trại, hộ sản xuất, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà phân phối và ngân hàng để cùng nhau hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang trao biểu trưng 3 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ nông dân.
Đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao Bằng khen
của UBND tỉnh cho các cá nhân.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen
của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân.
Nhân dịp này, tỉnh Tuyên Quang đã trao 3 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ nông dân; 10 cá nhân được tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Ban Biên tập