Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thăm khám cho trẻ phải nhập viện do nắng nóng.
Nhiều địa phương đang trong những ngày nóng gay gắt. Tại tỉnh Nghệ An, nhiều nơi nền nhiệt trên 400C, thậm chí có nơi lên tới 420C, như Tương Dương, Nghĩa Đàn… Nắng nóng cực đoan, kéo dài đe dọa sức khỏe người dân và khiến người già, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng. Mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận khám và điều trị từ 500 đến 700 bệnh nhi, thậm chí có ngày lên tới 800 đến 900 cháu.
Các bệnh thường gặp trong thời tiết nắng nóng này là: viêm phổi, viêm phế quản; tay chân miệng, thủy đậu, sốt phát ban, sốt vi-rút; tiêu chảy, ngộ độc thức ăn… Có khoảng ¼ số trẻ đến khám phải nhập viện điều trị, gây quá tải, như Khoa hô hấp có 150 đến 160 trẻ, trong khi khoa chỉ có 120 giường bệnh.
Tương tự, số bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh cũng khá đông và số phải nhập viện điều trị cũng có xu hướng tăng lên. Bình quân, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 2.500 đến 3.000 bệnh nhân đến khám, trong đó có 800 đến 900 bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú. Phần lớn bệnh nhân đến đây là người cao tuổi, mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn tiêu hóa, đường hô hấp, cúm mùa… Bác sĩ Đoàn Thị Quý, Khoa bệnh Nhiệt đới cho biết: Vào những ngày nắng nóng, số bệnh nhân nhập vào khoa tăng gấp đôi so với ngày thường.
Các bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết, thời tiết nắng nóng, các bậc cha mẹ cần đề phòng tình trạng say nắng, say nóng ở trẻ. Trẻ bị say nắng, say nóng có thể bị tăng nhịp tim, khó thở, co giật, hôn mê, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu trẻ bị say nắng, say nóng, các bậc cha mẹ, người trông trẻ cần bình tĩnh, áp dụng các biện pháp xử trí mà cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Ngoài ra, mệt lả do nóng cũng là tình trạng nhiều trẻ gặp phải khi nhiệt độ tăng cao và hoạt động, tập luyện thể lực nhiều giờ dưới trời nóng bức…
Để phòng tránh trẻ bị say nắng, say nóng trong mùa hè, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo các bậc cha mẹ cần lưu ý những điều sau: Những ngày nắng nóng, nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi; không nên cho trẻ vận động cường độ cao và liên tục quá hai giờ đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời.
Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho trẻ ngừng ngay việc tập luyện, vận động và vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi. Không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ, nếu trẻ vừa đi ngoài về tránh cho vào phòng điều hòa nhiệt độ ngay; không nên để trẻ chạy nhảy, ra vào giữa phòng điều hòa nhiệt độ và không gian nóng bức bên ngoài.
Trang bị đầy đủ mũ, quần áo, kính mắt, khẩu trang hoặc che chắn cẩn thận cho trẻ trước khi đi ra ngoài trời nắng. Đáng chú ý, nếu cho trẻ đi ô-tô, tuyệt đối không để trẻ một mình trên xe; khi đỗ, cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ… Hãy tắm cho trẻ bằng nước mát khi nhiệt độ ngoài trời cao, nắng nóng gay gắt giúp điều hòa thân nhiệt của các bé. Ngoài ra bổ sung dinh dưỡng và vitamin đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng và sức khỏe.
Đối với người lớn, thời tiết nắng nóng làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt; nắng nóng là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… có thể bị đột quỵ.
Thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước, nếu không được bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh lưu ý, mọi người, nhất là người già và trẻ nhỏ hạn chế ra khỏi nhà vào lúc đỉnh điểm nắng nóng từ 11 giờ đến 13 giờ; người đi đường trang bị khẩu trang, áo chống nắng; mọi người phải uống đủ nước, ăn chín uống sôi… Đặc biệt, những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn...
Theo hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động do Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) vừa đưa ra, thì vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức; những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường... Các triệu chứng gặp phải khi bị say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng là: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút (mức độ nhẹ); đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong (mức độ nặng).
Khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. Với mức độ nhẹ, chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió; nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô; nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát, tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol… không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Với những trường hợp mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Hướng dẫn cũng đưa ra khuyến cáo, người dân hạn chế đi ra ngoài trời trong những ngày nắng nóng, nhất là trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài; mặc quần áo sáng mầu, thoáng mát, thấm mồ hôi; tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả; cần uống tối thiểu 1,5 đến 2 lít nước/ngày, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần; rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của cơ thể.
Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát, hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu để tránh các hoạt động thể lực quá sức. Hạn chế thấp nhất diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, nhất là vùng vai gáy; sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính; mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi… Uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc; cần uống thêm các loại nước có bổ sung muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.
Hiện nay, bệnh viện tại các địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ nhằm giảm những khó khăn, vất vả cho bệnh nhân khi đi khám, chữa bệnh trong thời tiết nắng nóng. Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh yêu cầu các cán bộ, nhân viên y tế vào làm việc sớm hơn thường ngày, thực hiện tiếp nhận bệnh nhân vào lúc 6 giờ sáng để giảm thời gian chờ đợi; bố trí các phòng chờ thoáng mát, tăng cường thêm quạt điện và điều hòa ở các phòng điều trị; khuyến cáo người bệnh ứng dụng các tiện ích công nghệ thông tin để lấy số thứ tự đăng ký khám ngay ở nhà nhằm tránh đi lại vất vả vào thời điểm nắng nóng, giảm thời gian chờ; sau khi khám và có kết quả, phần mềm tiện ích sẽ mời bệnh nhân quay lại phòng khám để được nghe tư vấn, kê đơn thuốc...
Ngày 21/5, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị giám đốc các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện; tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh.
Các bệnh viện yêu cầu đánh giá chính xác tiêu chí A1.2 “Người bệnh, người nhà người bệnh được chờ đợi trong phòng đầy đủ tiện nghi và được vận chuyển phù hợp với tình trạng bệnh tật” trong Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam để bổ sung, khắc phục ngay kết cấu hạ tầng nếu chưa làm hoặc xuống cấp; khẩn trương lắp đặt mái che lối đi giữa các khối nhà và tại các khu vực ngoài trời có tập trung đông người nhà người bệnh.
Đồng thời, rà soát thực trạng thông khí tại các khu vực có nhiều người bệnh như sảnh chờ, hành lang... và các khoa điều trị, buồng bệnh, phòng hành chính. Đồng thời lập kế hoạch bổ sung quạt, điều hòa nhiệt độ cho các khu vực cần thiết; huy động các nguồn kinh phí mua quạt trần, quạt thông gió, quạt hơi nước hoặc máy điều hòa nhiệt độ trong khả năng nguồn lực của bệnh viện.
Các bệnh viện bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các khoa lâm sàng, sảnh chờ; bổ sung cây nước uống tại các vị trí còn thiếu hoặc có nhu cầu tăng cao trong ngày nắng nóng...