Trước thực trạng giá chăn nuôi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bấp bênh khi lên cao khi xuống thấp, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đã ký hợp đồng với một số hợp tác xã và tổ hợp tác để liên kết chăn nuôi, cung ứng thức ăn cho chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó tập trung vào các sản phẩm như trâu, bò, lợn. Sau một thời gian triển khai mô hình, nhiều hợp tác xã liên kết với Hợp tác xã Tiến Thành lần lượt cho “ra lò” những sản phẩm đầu tiên. Thời điểm đầu tiên, Hợp tác xã Tiến Thành cung ứng 78 con trâu thịt nuôi vỗ béo cho các xã Vinh Quang, Hùng Mỹ, Xuân Quang, Phúc Thịnh (Chiêm Hóa); 38 con bò thịt nuôi vỗ béo tại xã Minh Hương (Hàm Yên); 10 con bò thịt nuôi vỗ béo tại xã Tiến Bộ và 260 con lợn nuôi thịt cho các xã Tứ Quận và Tiến Bộ (Yên Sơn). Qua đợt xuất bán đầu tiên, mỗi con trâu lãi hơn 5 triệu đồng/con; bò thịt vỗ béo lãi bình quân 4,8 triệu đồng/con. Đàn lợn liên kết được Hợp tác xã thu mua với giá thấp nhất 32.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường lúc ấy chỉ từ 16 - 20.000 đồng/kg.
Đến 30-5-2018, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đã tiêu thụ 98 con trâu, bò vỗ béo (lãi từ 1,5 - 5 triệu đồng/con); tiếp tục liên kết với 10 hợp tác xã cung ứng đưa vào chăn nuôi 185 con trâu, bò vỗ béo và xây dựng cơ sở tự phối trộn thức ăn chăn nuôi an toàn sinh học từ nguyên liệu địa phương tại phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang). Trung tâm Khuyến nông tỉnh hiện đang tiếp tục xây dựng kế hoạch, mở rộng địa bàn thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học, đáp ứng quy mô chăn nuôi từ 1.000 con trâu và 2.000 con bò thịt/năm trở lên. Trên cơ sở đó tổ chức ký hợp đồng giữa các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại tham gia chương trình.
Ông Đồng Mạnh Cường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết, Liên minh Hợp tác xã đã khuyến khích, vận động các hợp tác xã có đủ khả năng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Manh nha đã có Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tam Đa (Sơn Dương) bước đầu vận hành theo “công thức” này. Theo đó, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tam Đa liên kết với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thực hiện liên kết sản xuất mía nguyên liệu với 800 hộ dân, quy mô 214 ha. Đồng thời, Hợp tác xã được tạo điều kiện thuê 30 ha đất để sản xuất mía giống. Anh Nguyễn Trọng Quý, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tam Đa cho biết: Hợp tác xã liên kết theo hình thức cung ứng giống, vật tư phân bón và thu mua, vận chuyển mía cho các hộ liên kết, đối với những hộ có nhu cầu, hợp tác xã có tổ dịch vụ thu hoạch mía. Đây là năm thứ 2 hợp tác xã thực hiện liên kết và nhận được sự ủng hộ rất lớn của bà con trồng mía trong khu vực. Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, đây là một trong số ít các hợp tác xã có chuỗi liên kết hoàn chỉnh và bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, hạn chế lớn nhất của các hợp tác xã hiện nay là việc liên kết với các doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Số lượng các hợp tác xã đầu tư theo chuỗi khép kín từ đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất đến bao tiêu nông sản cho bà con chưa nhiều. Nâng cao vai trò của các hợp tác xã trong việc hình thành các chuỗi sản xuất, Liên minh Hợp tác xã tỉnh lựa chọn 2 hợp tác xã thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển theo đề án hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tam Đa (Sơn Dương) và Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Hợp Thành, xã Tân Thành (Hàm Yên). Ông Dương Mạnh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Hợp Thành cho biết: Mong muốn lớn nhất của Hợp tác xã khi tham gia vào đề án là được hỗ trợ đào tạo năng lực quản lý cho cán bộ hợp tác xã, đồng thời được phổ biến, đào tạo kỹ thuật bảo quản sản phẩm cam sành sau thu hoạch, kết nối thị trường, nâng cao giá trị cam sành cho 37 thành viên trong hợp tác xã và người trồng cam trong vùng.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Mạnh Cường lý giải, điểm chung của 2 hợp tác xã này trình độ quản trị chưa được đào tạo bài bản, khả năng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất chưa cao, trong khi đây là 2 hợp tác xã phát triển 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh là mía và cam. Với sự hỗ trợ này, Liên minh Hợp tác xã tỉnh kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho các hợp tác xã trong việc liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị cho sản phẩm địa phương và quan trọng nhất là tạo niềm tin cho các thành viên, hộ nông dân trong liên kết, hợp tác với các hợp tác xã để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Bài, ảnh: Trần Liên