Tiến sỹ khoa học Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chụp ảnh với các học viên lớp tập huấn Thiết lập và phương pháp vận hành PGS - Tuyên Quang tại Hội Nông dân tỉnh.
Trước năm 2012 nông nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong khi trên Thế giới và các nước trong khu vực Châu Á đã ban hành luật, pháp lệnh, tiêu chuẩn quốc gia và nhiều chính sách về nông nghiệp hữu cơ. Năm 1972, Liên Đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) được thành lập tại Versailles - Pháp, với mục đích truyền thông và trao đổi các thông tin liên quan đến nguyên tắc và thực hành nông nghiệp hữu cơ trên Thế giới. Năm 1980 IFOAM đã ban hành tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ đầu tiên.
Theo IFOAM, lịch sử sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Thế giới đã trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn HỮU CƠ 1.0: Những người tiên phong trên toàn Thế giới. Các nhà tiên phong đã tìm ra sự kết nối giữa thực phẩm con người đang sử dụng và các phương pháp sản xuất thực phẩm, sức khỏe của con người và sức khỏe của hành tinh;
- Giai đoạn HỮU CƠ 2.0: Định chuẩn và thực hiện là giai đoạn sản xuất nông nghiệp hữu cơ Thế giới đã thiết lập được hệ thống sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ sau năm 1970;
- Giai đoạn HỮU CƠ 3.0: Sự phổ biến của các hệ thống thực sự bền vững với mục tiêu "Phát triển bền vững là đáp ứng nhu cầu của hiện tại nhưng tương lai không làm nguy hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai". Chiến lược gồm 6 nội dung chính sau:
(1) Nền văn hóa đổi mới;
(2) Tiếp tục cải tiến theo hướng thực hành tốt;
(3) Đa dạng các phương pháp đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch;
(4) Mở rộng mối quan hệ với các bên quan tâm tới phát triển bền vững;
(5) Trao quyền từ trang trại đến người tiêu dùng cuối cùng;
(6) Giá trị thực và giá trị kế toán.
Trước bối cảnh trên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đề xuất và được Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 1820/QĐ-BNV ngày 30/10/2011 về việc thành lập Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Ngày 22/5/2012 Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã bầu tiến sỹ khoa học Hà Phúc Mịch là Chủ tịch Hiệp hội. Đến ngày 20/4/2018 Tuyên Quang là tỉnh đầu tiên của Việt Nam tổ chức Đại hội và thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh.
Trong những năm qua không thể phủ nhận đóng góp rất lớn của của nền nông nghiệp vô cơ, nó đã giúp nông nghiệp Việt Nam tăng sản lượng lương thực đảm bảo an ninh lương thực trong nước và góp phần đưa một số sản phẩm nông sản của Việt Nam có mặt trong bản đồ xuất khẩu của Thế giới. Tuy nhiên nông nghiệp vô cơ cũng để lại ảnh hưởng nhiều đến môi trường, sức khỏe con người, đất đai bị thoái hóa, mất đi độ phì nhiêu và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản.
Những nước phát triển trên Thế giới đã từng bước chuyển sang nền nông nghiệp hữu cơ, đây là một xu hướng phát triển của Thế giới. Ở Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ đã bước đầu được quan tâm phát triển. Tính đến tháng 12/2017 cả nước có 26 cơ sở trồng trọt hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố và 33 cơ sở trồng trọt theo hướng hữu cơ.
Năm 2017 Việt Nam đã ban hành 02 tiêu chuẩn Quốc gia về nông nghiệp hữu cơ. Tiêu chuẩn thứ nhất gồm 03 phần: Phần 1 (TCVN 11041-1:2017) Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Phần 2 (TCVN 11041-2:2017) Trồng trọt hữu cơ và Phần 3 (TCVN 11041-3:2017) Chăn nuôi hữu cơ. Tiêu chuẩn thứ hai (TCVN 12134:2017): Nông nghiệp hữu cơ - yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan nhà nước, các tổ chức và người dân hiểu và thực hiện sản xuất, công bố sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Tại bộ tiêu chuẩn trên đã định nghĩa Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người, dựa vào các quá trình tự nhiên của hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và các chu trình thích hợp với điều kiện địa phương, giảm thiểu sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào có tác động bất lợi.
Để có sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận thì trong quá trình sản xuất phải được kiểm soát, kiểm định ngay từ khâu chuẩn bị đất, nguồn nước, giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và đóng gói sản phẩm. Do đó muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ cần có lộ trình, quy hoạch với một hệ thống tiêu chuẩn, chính sách và hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Trước mắt để khắc phục tối đa những nhược điểm của nông nghiệp vô cơ chúng ta phải từng bước chuyển sang sản xuất nông sản sạch và an toàn theo phương pháp VIETGAP. Sử dụng các chế phẩm làm tăng giá trị gia tăng của phân bón hóa học (mục đích chính là giảm lượng phân bón cần dùng), bón thêm các loại phân khoáng hữu cơ để cải tạo đất, sử dụng các chế phẩm sinh học tạo tiền đề cho nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Trong nông nghiệp hữu cơ thì phân bón hữu cơ là một khâu quan trọng giúp duy trì và tăng sản lượng. Sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng còn có tác dụng tạo mùn, điều hòa dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón.
Phân bón hữu cơ có hai nhóm: Nhóm phân bón hữu cơ truyền thống và phân bón hữu cơ công nghiệp.
Phân bón hữu cơ truyền thống là loại phân bón có nguồn gốc từ chất thải của động vật hoặc phế phụ phẩm của trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông lâm thủy sản, phân xanh, rác thải hữu cơ, các loại than bùn được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống. Phương thức ủ truyền thống được sử dụng chủ yếu ở qui mô nông hộ. Các phế, phụ phẩm hữu cơ được trộn đều, bổ sung thêm các khoáng chất và chế phẩm vi sinh vật sau đó ủ thành đống để thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, đẩy nhanh quá trình khoáng hóa và tiêu diệt các vi sinh vật không có lợi.
Phân bón hữu cơ công nghiệp là loại phân bón được chế biến từ các nguồn hữu cơ khác nhau để tạo thành phân bón tốt hơn so với nguyên liệu thô ban đầu. Phương thức sản xuất công nghiệp áp dụng tại các cơ sở sản xuất phân bón được đầu tư cơ sở hạ tầng với dây chuyền máy móc thiết bị.
Trong thời gian tới rất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về nông nghiệp hữu cơ, phân bón hữu cơ. Các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân cần mạnh dạn áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ ở những nơi có điều kiện thuận lợi làm cơ sở để từng bước đưa nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang chuyển dần sang nông nghiệp hữu cơ.
Trương Xuân Quý - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh,
Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang.