Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, mưa lớn liên tiếp xảy ra, lượng nước chảy vào các hồ chứa lớn chưa từng có, rất nhiều công trình hồ chứa đã phải tháo bỏ nước để đảm bảo an toàn hồ đập. Kết quả kiểm tra trên 90% các công trình hồ chứa mực nước tích đã đạt đến mức thiết kế. Tuy nhiên, nhiều công trình lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng với mực nước tích như vậy sẽ đe dọa đến độ an toàn của công trình.
Cán bộ Ban quản lý công trình thủy lợi xã Đội Cấn (T.P Tuyên Quang) kiểm tra van
điều tiết tại hồ thủy lợi xã Đội Cấn. |
Công trình hồ chứa Núi Mây, xã Thái Bình (Yên Sơn), một trong những hồ chứa thủy lợi lớn cung cấp nước tưới cho gần chục ha đất 2 vụ lúa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ xã cho biết, đập hồ Núi Mây được xây dựng từ năm 1997, thân đập chỉ được đắp bằng đất, thời gian vừa qua mưa lớn xảy ra liên tiếp đã làm lún, nứt vỡ, hiện vết nứt dài khoảng 19 m, với độ sâu 1,8 m. Công trình không bảo đảm an toàn nên việc tích nước không thể thực hiện, ảnh hưởng đến việc gieo cấy gần chục ha lúa vụ xuân sắp tới.
Còn tại đập Nà Vàng, xã Khuôn Hà (Lâm Bình), sau 7 năm vận hành đến giờ 1/3 thân đập cũng đã bị thấm, nước rò rỉ ra ngoài. Theo Ban quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh, với sức chứa gần 500.000 m3. Với tình trạng như hiện nay thì đập Nà Vàng sẽ không đảm bảo nước tưới cho diện tích cây trồng vụ xuân tới.
Ông Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh có 39 công trình hồ chứa bị hư hỏng nặng cần phải sửa chữa ngay. Do nguồn kinh phí sửa chữa quá lớn, phải chờ hỗ trợ từ Trung ương, song để đảm bảo an toàn công trình, ngành đã tham mưu với tỉnh thực hiện các giải pháp tạm thời. 2 công trình hư hỏng nặng là hồ Nà Vàng và Núi Mây không cho tích nước để bảo đảm an toàn. Đối với 37 công trình còn lại, ngành thực hiện phân loại, công trình nào mang tính cấp bách, năng lực tưới tiêu lớn sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn chống hạn, vốn hỗ trợ bão lụt và vốn vay từ Ngân hàng thế giới WB8 để sửa chữa.
Hiện tại, ngành Nông nghiệp đã lập dự án sửa chữa 14 công trình, với tổng vốn đầu tư 252 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thực hiện kiểm tra rà soát, ứng phó kịp thời với các sự cố. Nếu công trình không đủ điều kiện sẽ không được tích nước, trong trường hợp nguồn nước đột biến phải thực hiện xả nước qua cống để bảo đảm an toàn công trình; thực hiện thông báo cụ thể các tình huống xảy ra để người dân chủ động di dời đến nơi an toàn.
Bài, ảnh: Đoàn Thư