Ông Trần Văn Tự, thôn Đồng Gianh, xã Bình Yên kiểm tra tình hình rệp xơ trắng hại mía. |
Không chỉ riêng gia đình ông Lợi mà rất nhiều hộ dân trồng mía của huyện Sơn Dương đều lo lắng vì rệp xơ trắng hại mía năm nay xuất hiện sớm bất thường. Từ tháng 5, thời kỳ mía đang sinh trưởng phát triển, rệp xuất hiện nếu không được phun trừ sẽ làm giảm hàm lượng đường, ảnh hưởng đến năng suất mía và tỷ lệ nảy mầm cho vụ sau. Để ngăn chặn nguy cơ dịch hại có thể bùng phát gây ảnh hưởng đến năng suất mía, UBND huyện Sơn Dương đã có công văn chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương triển khai các giải pháp cụ thể để phòng trừ.
Ông Dương Đức Tú, Phó trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết, theo thống kê sơ bộ, hầu hết các xã vùng mía nguyên liệu đều xuất hiện rệp xơ trắng nhưng với mật độ không cao chỉ 5 - 7%. Tuy nhiên, tại một số xã có diện tích mía lớn như: Đông Lợi, Phú Lương, Đông Thọ, Lương Thiện, Tú Thịnh... rệp đã gây hại trên 20% diện tích. Ngay khi rệp xơ trắng xuất hiện, trạm đã cử cán bộ xuống các xã phối hợp với cán bộ nông vụ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cung ứng thuốc, hướng dẫn bà con cách phòng trừ.
Tuy nhiên, do thời tiết những tháng gần đây nắng, mưa xen kẽ, độ ẩm trong không khí cao đã tạo điều kiện cho rệp xuất hiện trở lại. Người dân cần chú ý công tác phòng trừ, thăm ruộng và thực hiện các bước hướng dẫn kỹ thuật mà Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn. Đối với diện tích tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, không nên sử dụng thuốc phun trừ mà chỉ tỉa lá, vệ sinh, thu gom lá nhiễm bệnh đem đốt. Những cây bị nhiễm nặng có thể chặt bỏ. Khi tỷ lệ nhiễm bệnh từ 15 - 20% diện tích mới thực sự cần sử dụng hóa chất phun diệt nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thời điểm này ngưng bón đạm, tăng cường bón phân kali.
Theo ông Trương Văn Thư, Phó trưởng Phòng Nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, hiện công ty đã cung ứng hơn 3.600 gói thuốc Godra 250WG, hơn 16.000 lọ thuốc Medophos và Wusso 550 EC để người dân chủ động phun trừ rệp. Đây là thuốc diệt rệp có chứa hoạt chất tự phân hủy ngoài môi trường sau 7 - 10 ngày phun, không thẩm thấu xuống đất. Trong thời gian tới cây mía sẽ bước vào giai đoạn tích lũy đường là thời điểm thuận lợi để rệp xơ trắng phát sinh gây hại nên người dân cần tích cực thăm đồng phát hiện và xử lý kịp thời không để rệp xơ trắng bùng phát thành dịch làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mía đường.
Bài, ảnh: Lại Cao Huy