Theo báo cáo của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, hiện nay đang vào thời gian cao điểm chăm sóc mía nguyên liệu, song lượng vật tư phân bón người trồng mía tiếp nhận của doanh nghiệp đang ở mức thấp. Trong niên vụ 2016 - 2017, mới có 309,5 tấn đạm, 136,4 tấn kali và 54,7 tấn vôi bột được cấp ra. Tính bình quân, mức đầu tư phân bón cho mía chỉ đạt 80% so với quy trình, một số địa phương mức đầu tư còn thấp hơn, bình quân chỉ bằng 60% đến 65% quy trình. Bước sang niên vụ năm nay, mức đầu tư có khả năng tiếp tục xuống thấp, bởi qua khảo sát người trồng mía rút bớt lượng phân bón cho mía mà doanh nghiệp hỗ trợ.
Anh Phùng Văn Thắng, thôn Mỏ Ché, xã Tân Trào (Sơn Dương) chăm sóc vườn mía của gia đình.
Huyện Yên Sơn được đánh giá có mức đầu tư bình quân cho trồng mía thấp nhất, cả vụ người trồng mía đầu tư phân bón chỉ đạt ở mức từ 60% đến 65%. Bà Lê Thị Chanh, thôn Phúc Ninh, xã Phúc Ninh cho biết: Gia đình bà ký hợp đồng với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương trồng trên 2 ha mía. Hàng năm, gia đình nhận khoảng 1,5 tấn phân bón các loại cho mía. Tuy nhiên, năm nay gia đình chỉ đăng ký nhận 1 tấn cho cả vụ mía. Theo bà Chanh nếu nhận phân bón theo đúng tiêu chuẩn đến lúc thu hoạch mía, doanh nghiệp trừ tiền phân bón đã hỗ trợ còn chẳng được là bao. Vì không tập trung đầu tư chăm sóc cẩn thận nên năng suất mía của gia đình bà Chanh không cao, trên 2 ha mía năm vừa rồi gia đình chỉ thu được 70 tấn, trong khi năng suất mía toàn tỉnh đạt trên 50 tấn mía/ha.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ nông vụ Nhà máy Đường Tuyên Quang cho biết: Theo quy trình trồng, chăm sóc mía nguyên liệu, mỗi ha mía từ khi trồng đến thu hoạch cần bón từ 2 đến 4 tấn phân các loại tùy theo thổ nhưỡng từng vùng. Tuy nhiên, các hộ dân đều đăng ký giảm bớt lượng phân do công ty hỗ trợ.
Tại huyện Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang, một số hộ trồng mía cũng không tập trung đầu tư chăm sóc. Nguyên nhân là do trên địa bàn hiện có một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, ổi, thanh long nên bà con không còn mặn mà với cây mía. Hơn nữa, trồng mía tốn rất nhiều công lao động, đặc biệt là khâu thu hoạch, theo tính toán chi phí thuê lao động thu hoạch bình quân 260.000 đồng/tấn, chiếm 29% tổng thu nhập từ trồng mía. Một số hộ dân còn không làm cỏ, bóc lá cho mía làm tăng mức độ nhiễm sâu bệnh hại, cỏ dại tranh chấp dinh dưỡng với mía. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện một số diện tích mía thuộc các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn đã bị rệp, bọ hung đen hại mía.
Khắc phục tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương chỉ đạo 2 nhà máy tăng cường cán bộ nông vụ, khuyến nông xuống từng cánh đồng đôn đốc, hướng dẫn bà con chăm sóc, bón phân thúc cho mía đúng quy trình đảm bảo mỗi ha từ 150 kg đến 200 kg phân Ure; 80 kg - 100 kg kali và bổ sung phân Grom more bởi thời điểm này mía đang vươn lóng cần nhiều chất dinh dưỡng. Cùng với đó là thực hiện phòng trừ dịch hại, bảo đảm cho cây mía sinh trưởng, phát triển tốt. Đây là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh làm việc với doanh nghiệp cùng các địa phương tổ chức lại việc trồng mía, đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, chăm sóc, từng bước chuyển từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, hình thành những cánh đồng mía nguyên liệu rộng lớn để có điều kiện thâm canh, tăng năng suất, bảo đảm năng suất mía nguyên liệu bình quân đạt 66,7 tấn/ha; thực hiện các chính sách thu mua hợp lý có lợi cho cả đôi bên để người trồng mía yên tâm đầu tư sản xuất, làm giàu từ trồng mía.
Bài, ảnh: Đoàn Thư