Những ngày cuối tháng 9 âm lịch, từng đợt gió mùa đông bắc bắt đầu ùa về, thời tiết Hồng Thái trở nên lạnh hơn. Phía chân đồi Đòn, thôn Khâu Tràng tiếng ụt ịt của lợn đòi ăn, tiếng gà trưa ganh nhau vang cả góc trời. Người dân Khâu Tràng giới thiệu, đó là trang trại chăn nuôi kết hợp du lịch của chàng trai 9X Bàn Sỹ Thủy.
Thủy sinh năm 1997, thế hệ đầu của gen Z. Sinh ra và lớn lên tại thôn Khâu Tràng, sống giữa bầu không khí quanh năm mây trời bao phủ, trông Thủy rắn rỏi, nụ cười tươi, cởi mở. Anh kể, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam với tấm bằng khá. Có được một công việc theo đúng chuyên ngành quản lý đất đai với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, bố mẹ anh rất tự hào, họ hàng, người trẻ ở đây lấy anh làm tấm gương để noi theo.
Anh Bàn Sỹ Thủy, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, Na Hang.
Đụp một cái, năm 2021, anh khăn gói quả mướp về quê lập nghiệp bỏ qua sự can ngăn của bố mẹ và họ hàng. Anh xin bố mẹ cải tạo 1 ha đất đồi hoang của gia đình để làm mô hình chăn nuôi và kết hợp du lịch trải nghiệm homestay. Số tiền 200 triệu đồng anh tích cóp sau 3 năm đi làm anh thuê máy xúc, quyết tâm cải tạo diện tích đất để làm kinh tế và làm du lịch.
Thủy miêu tả, anh muốn làm mô hình “từ trang trại sạch đến bàn ăn” đó là điểm nhấn để làm du lịch. Cũng nhiều lần thất bại, mãi đến đầu năm 2022 Thủy bắt đầu gặt hái những trái ngọt, hàng năm mô hình chăn nuôi lợn, gà mang lại cho anh khoản lãi khoảng 200 triệu đồng. Thủy còn tự tay làm clip Youtube, TikTok để quảng bá du lịch về homestay Mắc Cọp của anh. Dẫn chúng tôi đi lên thăm vườn lê cổ thụ (lê chát) của gia đình, nhìn những hàng rào đá xếp quanh vườn thật thích mắt.
Thủy bảo, anh tự xếp, mỗi ngày vài viên, những viên đá vô tri trở thành chiếc bàn, ghế đá dưới gốc lê cổ thụ và cũng là hàng rào ngăn cách hạn chế động vật phá cây. Nhà sẵn có 100 gốc mận và trên 150 gốc lê, tới đây anh sẽ mua thêm những gốc cây lê cổ thụ trồng ở trang trại nhà mình. Lê cổ ăn không ngon nhưng cành thấp, hoa đẹp, nếu làm phong cảnh để chụp ảnh thì rất đẹp và quyến rũ.
Những cách làm độc đáo hấp dẫn khách
Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Chẩu Văn Tuấn rất mừng khi được hỏi về du lịch. Anh bảo, hiện toàn xã có 6 homestay do 9X làm chủ đều tập trung tại thôn Khâu Tràng, và tất cả đều khá nổi trên mạng xã hội, cách quảng bá, tư duy làm kinh tế trẻ đang ghi điểm rất tốt trong mắt du khách. Anh bật mí, Bí thư Đoàn xã cũng là một trong số đó.
Sinh năm 1992, Bí thư Đoàn xã Hồng Thái Đàng Thị Hà hiện là chủ homestay Hoàng Hà, một địa chỉ khá nổi trên các kênh mạng xã hội, chị được gọi thân thuộc với cái tên người kể những câu chuyện cổ tích bản làng.
Nhờ quảng bá hiệu quả nên các homestay tại xã Hồng Thái ngày càng đông khách du lịch.
Chị Hà kể, chị yêu vô cùng nét văn hóa đặc sắc của người Dao nơi đây, ngay khi còn là học sinh, chị đã ước mơ được dẫn khách du lịch đến thăm quê hương mình. Sau khi học xong chuyên nghiệp, được quay về địa phương công tác, năm 2018, chị Hà bàn với gia đình đầu tư 50 triệu đồng cải tạo căn nhà đang ở thành homestay kết hợp trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng để thu hút du khách.
Trong căn nhà rộng gần 70 m2, chị Hà bày trí các sản phẩm truyền thống, với sự hiếu khách, nhiệt tình, chỉ sau vài năm triển khai, đến nay mỗi tuần homestay của gia đình đón trên 50 khách đến tham quan, trải nghiệm. Để du khách cảm nhận được trọn vẹn giá trị văn hóa, chị Hà cũng tự tay chế biến các món ăn truyền thống, khôi phục lại các điệu hát Páo dung, những điệu múa cổ để tạo sự hào hứng.
Với giá lưu trú dao động khoảng hơn 100 nghìn đồng/người/ngày và 800 đến 1,5 triệu đồng/mâm cơm khách, homestay của chị Hà đang là địa chỉ tin cậy được nhiều du khách lựa chọn. Để đưa du lịch Hồng Thái đến gần hơn với nhiều người, trên Fanpage Homestay Hoàng Hà, chị thường xuyên chia sẻ những hình ảnh đẹp, các địa danh du lịch khám phá cùng những lời thuyết minh có cánh để giới thiệu về sản vật, đặc sản của xã Hồng Thái nói riêng và toàn huyện Na Hang nói chung.
Còn với anh Đặng Văn Thuyết, sinh năm 1995, chủ homestay Gốc Vải lại là những câu chuyện thật phấn khởi, khởi nghiệp với loại hình du lịch cộng đồng. Năm 2018, anh Thuyết khởi nghiệp cùng chị gái Đặng Thị Dương vô cùng khó khăn. Anh bảo, kinh nghiệm ít, vốn nhỏ, cái duy nhất anh có là nhiệt huyết của tuổi trẻ. Sau có thuyết phục bố mẹ cho phép cải tạo căn nhà, để tiết kiệm chi phí, anh Thuyết tự tay thiết kế, tự làm từng điểm check-in, khu vực vui chơi, chụp ảnh.
Anh cẩn thận lồng ghép từng nét văn hóa vào từng sản phẩm bày trí của gia đình. Để đa dạng hóa trải nghiệm, anh còn đặt bà con may thêm quần áo dân tộc Dao tiền theo nét cổ để du khách có thể hóa thân thành các cô gái vùng cao hái lê, hái chè, trồng rau cùng bà con. Tận dụng ưu thế mạng xã hội, những video ngắn trải nghiệm về homestay lần lượt ra đời và cứ thế lan truyền trên mạng xã hội theo cấp số nhân.
Năm nay, 9X Đặng Đức Lương, homestay Lương Lê đã thực hiện ước mơ bấy lâu. Căn nhà cổ mái ngói âm dương được đầu tư gần 600 triệu đồng để cải tạo và sửa sang thành các phòng nghỉ, vừa cổ điển kết hợp hiện đại để phục vụ theo nhu cầu du khách. Anh Lương kể, căn nhà truyền thống vẫn được giữ nguyên tối đa, anh đầu tư làm thêm 1 ngôi nhà 2 tầng theo phong cách hiện đại để du khách có thể lựa chọn. Nhà có sẵn vườn lê cổ lớn nhất xã Hồng Thái, hiện đang được chăm sóc tốt và xử lý để hoa nở rộ theo ý, Lương tự tin dịp sau Tết nguyên đán 2025 sẽ đón nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm.
Bí thư Đoàn xã Đàng Thị Hà bộc bạch, chị mong các xã lân cận Hồng Thái như Đà Vị, Yên Hoa, Sơn Phú sẽ có thêm nhiều bạn trẻ đứng lên làm du lịch, từ đó tạo sự liên kết, đa dạng hóa thêm trải nghiệm cho du khách đến với Na Hang. Trên tay mô hình cô gái Dao Tiền bằng nhựa composite, chị Hà bày tỏ, em đang triển khai làm thêm các mô hình đồ lưu niệm, để mỗi chuyến đi của du khách đều là những ấn tượng về Hồng Thái và rộng hơn là về đất và người Na Hang.
Lê Duy