Hội viên Nguyễn Văn Hệ thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) phát triển mô hình nuôi trâu vỗ béo, trồng rừng.
Xác định vốn, kỹ thuật là mục tiêu hàng đầu để tạo đòn bẩy cho hội viên tham gia SXKD giỏi, Hội Nông dân huyện đã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho hội viên; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, quỹ hỗ trợ nông dân; thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Đến nay, toàn huyện đang thực hiện và quản lý 21 dự án chăn nuôi với tổng nguồn vốn trên 7,4 tỷ đồng cho 178 hộ hội viên vay; ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số dư nợ trên 193 tỷ đồng; phối hợp với Agribank chi nhánh Chiêm Hóa - Lâm Bình duy trì hoạt động 114 tổ liên kết vay vốn với tổng dư nợ trên 288 tỷ đồng...
Với sự hỗ trợ đó, từ năm 2017 đến nay, bình quân mỗi năm, huyện có trên 7.000 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Riêng năm 2023, huyện có trên 9.000 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi. Nhiều mô hình nông dân SXKD giỏi mang lại hiệu quả kinh tế cao từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Tiêu biểu, như: ông Nguyễn Văn Chuyển, Dương Văn Doanh, xã Vinh Quang; ông Hà Văn Điệt, Lê Tùng Diện, Hoàng Thị Loan thị trấn Vĩnh Lộc; Nguyễn Văn Hệ xã Phúc Thịnh...
Ông Nguyễn Văn Hệ, hội viên nông dân thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh cho biết, trước đây, vợ chồng ông chủ yếu trồng sắn, ngô, nhưng 2 cây đó làm mãi không dư, ông quyết định chuyển đổi trồng cây Quế và cây Dó bầu.
Trang trại tổng hợp của gia đình ông có diện tích hơn 7 ha, trong đó có hơn 6 ha trồng Quế, gần 1 ha Dó bầu, ao cá và chuồng trại chăn nuôi trâu, hươu sinh sản. Dưới tán rừng, ông nuôi ong lấy mật, trồng cây dược liệu. Mô hình phát triển theo hướng lấy ngắn nuôi dài, tạo vòng tuần hoàn khép kín. Chỉ tay về đàn trâu to béo nhốt trong chuồng, ông Hệ bảo, giờ gia đình ông nuôi trâu chỉ để lấy phân bón vườn cây. Hiện, vườn Quế đã đến kỳ khai thác, ước thu trên 1 tỷ đồng, cây trầm cũng thế. Đây là kỳ khai thác thứ 2, kỳ đầu gia đình tôi thu vườn Quế được trên 1 tỷ, thu trầm từ Dó bầu cũng ngót tỷ”. Trang trại của gia đình ông là mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Phúc Thịnh.
Anh Hoàng Văn Sình, thôn Đèo Lang, xã Kim Bình phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi gà thịt, trâu bò sinh sản. Trước đây, vợ Sình đi làm công ty dưới Hà Nội, nhưng nay đã nghỉ ở nhà làm trang trại cùng chồng. Trang trại của vợ chồng Sình rộng gần 500 m2, xây dựng 4 khu riêng biệt, chuồng trâu, chuồng gột giống gà con và chuồng gà thịt. Sình hiện là thành viên của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt, liên kết chăn nuôi con gà ri theo tiêu chuẩn VietGap. Bình quân mỗi năm, trại của Sình nuôi trên 6.000 con gà thịt, thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng.
Các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo được các cấp hội quan tâm thực hiện. Các cơ sở hội đã chỉ đạo mỗi chi hội giúp đỡ 1 hộ hội viên nghèo. Năm 2023, các cấp hội đã giúp đỡ 210 hộ nghèo trên 13.320 ngày công; hỗ trợ con giống trị giá gần 50 triệu đồng. Riêng năm 2024, các cấp hội hỗ trợ 265 hộ hội viên nghèo.
Với những việc làm thiết thực và hiệu quả, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại huyện Chiêm Hóa đã thể hiện rõ vai trò, sự đồng hành của tổ chức Hội, khơi dậy ý chí quyết tâm, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình của mỗi hội viên, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Trâm Anh