Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê của anh Vi Văn Thiên, thôn Nà Thài. Chưa đầy 30 tuổi nhưng anh Thiên đang được mệnh danh là “triệu phú trẻ” và là người có đàn dê nhiều nhất xã với gần 60 con. Trong căn chòi nhỏ được dựng khá kiên cố với những hàng hoa mười giờ khoe sắc được trồng trong các đoạn bương vầu, anh Thiên hồ hởi chia sẻ, nhiều người bảo “giàu nuôi chó, khó nuôi dê...”, hành trình của anh đầy chông gai, thử thách.
Anh Thiên bồi hồi, đầu năm 2023, anh trở về quê hương sau vài năm đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, nhận thấy nơi đây phong phú nguồn thức ăn, anh đầu tư 27 triệu đồng để mua 8 con dê về nuôi sinh sản. Đàn dê được chăm sóc cẩn thận, lớn nhanh như thổi, đến tháng 11 năm đó anh đã có 15 con dê, và bắt đầu có thu nhập 20 triệu đồng.
Anh Vi Văn Thiên, thôn Nà Thài, xã Thượng Giáp (Na Hang) chăm sóc dê.
Đầu tháng 12, anh Thiên mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn hỗ trợ thanh niên để khởi nghiệp, anh đầu tư mua thêm 30 con dê cái về để nhân đàn, cải tạo chuồng trại và mua thêm dê đực để nuôi theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo. Anh Thiên nhớ lại, nuôi tập trung không có sự kiểm soát về dịch bệnh ở khâu đầu vào thực sự là cách làm sai lầm, sau chưa đầy 1 tháng, đàn dê mắc bệnh tụ huyết trùng, hao hụt mất 14 con cả đàn cũ và đàn mới nhập về.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, dịp Tết nguyên đán năm 2024, cả ngày anh Thiên chỉ ở trong chuồng dê để xử lý bệnh viêm phổi, cố gắng mãi cuối cùng cũng mất 1 con dê mẹ đang chuẩn bị sinh sản. Anh nói đầy chua xót, vừa khởi nghiệp đã gặp mất mát quá lớn, nhiều lúc anh thấy bất lực.
Mãi đến tháng 1 năm nay, khi đợt dịch qua đi, anh Thiên chuyển hướng di dời đàn dê sinh sản ra ở một phân khu riêng, đàn dê nuôi vỗ béo được nuôi ở một phân khu cách đó chừng 500 m, việc phân chia khu vực, chăm sóc tuy hơi vất vả nhưng hạn chế các bệnh liên quan đến hô hấp, lở mồm long móng, các bệnh truyền nhiễm...
Nuôi dê tuy không kén thức ăn, nhưng toàn bộ phải sạch từ nước uống đến nguyên liệu chế biến, nhìn đàn dê phổng phao từng ngày, tốc độ nhân đàn tăng nhanh anh Thiên vui lắm. Để tiện kiểm soát đàn dê, anh Thiên còn cẩn thận ghi vào sổ từng con sinh ngày nào, nhập về ngày nào để theo dõi, theo dự tính, cuối năm 2024, anh sẽ bán khoảng 40 con dê thịt, ước thu về khoảng 70 triệu đồng. Nếu quá trình chăn nuôi thuận lợi, đầu năm 2025 anh Thiên sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đã vay từ Nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn để chuyển giao cho các đoàn viên khác có cơ hội vươn lên làm kinh tế.
Mô hình nuôi dê vỗ béo của anh Vi Văn Thiên, thôn Nà Thài, xã Thượng Giáp (Na Hang).
Tạo thành phong trào
Chủ tịch UBND xã Thượng Giáp (Na Hang) Nguyễn Văn Hằng là người khá tâm huyết với nuôi dê. Anh say sưa nói về tiềm năng và định hướng xây dựng thương hiệu dê Thượng Giáp trong tương lai, toàn xã hiện có 700 con dê, tập trung tại 3/6 thôn của xã gồm Nà Thài, Bản Cưởm, Nặm Cằm. Gần như gia đình nào cũng nuôi dê, với đầu ra ổn định khoảng 100.000 đ/kg, nuôi dê đang thực sự là hướng đi mới cho các hộ dân thoát nghèo bền vững.
Trong căn nhà cấp 4 xây kiên cố ở ngay đầu thôn Nà Thài, anh Vi Văn Kim được mệnh danh là “lão làng” trong nghề nuôi dê. Khuôn mặt đen nhẻm, đôi bàn tay chai sạn dạn dày sương gió, anh Kim tự hào, anh nuôi dê từ năm 19 tuổi, và đến giờ đã được 25 năm. Khoảng những năm 2010, bãi chăn thả dần bị thu hẹp, anh ngậm ngùi bán gần hết đàn dê gần 50 con và chuyển hướng nuôi trâu. Mới đây, năm 2021, anh Kim đầu tư 40 triệu đồng để mua 20 con dê về nuôi tái đàn và đến giữa năm 2023 anh đã hoàn vốn, có lãi gần 30 con dê hiện tại. Anh bật mí, hiện anh cũng là người giữ được nhiều bài thuốc chữa các bệnh lở mồm long móng, chướng hơi của dê bằng các loại lá cây rừng. Với anh chăn dê thực sự là công việc rất nhàn và hiệu quả.
Đàn dê của gia đình bà Triệu Thị Yên, thôn Bản Vịt, xã Thượng Giáp (Na Hang).
Gia đình anh Nguyễn Văn Khoa, thôn Bản Cưởm hiện đang có mô hình nuôi dê dưới tán rừng cho thu nhập cao. Cuối năm 2021, anh Khoa quyết định “thanh lý” toàn bộ đàn lợn, cải tạo và gia cố chuồng trại trước đó, đầu tư 17 triệu đồng mua 10 con dê về nuôi. Với nguồn thức ăn sẵn có và dồi dào dưới tán rừng, được vận động nên đàn dê tăng nhanh về số lượng và giảm nhiều chi phí chăm sóc. Năm 2023, anh Khoa bán lứa dê đầu tiên, thu được hơn 20 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, anh dồn toàn bộ vốn mua thêm dê cái sinh sản, đến nay trong gia đình có khoảng 30 con dê thương phẩm, trọng lượng từ 20 - 30 kg, anh nhẩm tính cuối năm nay sẽ bán khoảng 5 tạ dê, thu về 50 triệu đồng.
Đang tất bật chăn đàn dê 12 con của gia đình, bà Triệu Thị Yên, thôn Bản Vịt năm nay vui lắm, bà chia sẻ, tháng 3 năm nay, bà được hỗ trợ 10 con dê giống từ Chương trình nuôi dê sinh sản do UBND xã triển khai. Đầu tháng 7, đàn dê đã đẻ thêm được 2 dê con. Bà quả quyết, gia đình giữ lại toàn bộ để nhân đàn, chăm sóc đàn dê thật cẩn thận và quyết tâm thoát nghèo vào năm 2025.
Trong xã Thượng Giáp hiện có nhiều hộ dân đã khấm khá từ nuôi dê, điển hình như gia đình anh La Văn Hùng, anh Nguyễn Văn Tính, thôn Nặm Cằm; anh Nguyễn Văn Đội, thôn Bản Cưởm; anh Hoàng Văn Thu, thôn Nà Thài… Các gia đình đều có trên 50 con dê cái sinh sản và dê thịt, thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng.
Rời xã Thượng Giáp lúc trời nhá nhem tối, chúng tôi thấy từng đoàn xe của thương lái từ tận dưới xuôi lên đây thu mua dê. Người dân Thượng Giáp kháo nhau, ai cũng khen dê nuôi ở mảnh đất “sơn cùng thủy tận” có chất lượng thịt tốt hơn nhiều nơi khác, thực khách chỉ cần thưởng thức một lần ai cũng tấm tắc khen ngon.
Lê Duy