- Tôi cho rằng, Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/2 tại Quyết định số 182/QĐ-TTg là hành động của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới được Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành ngày 16/6/2022, đặc biệt là Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới vừa được Bộ Chính trị thông qua ngày 20/12/2023, ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Nghị quyết 20 cũng đặt ra mục tiêu cần tăng cường nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về vai trò của kinh tế tập thể, đúng như cương lĩnh của Đảng đã khẳng định, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân và phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu.
Việc thực hiện Nghị quyết 20 được giao cho cả hệ thống chính trị, nhiều cơ quan, đoàn thể, ngành chức năng, trong đó có vai trò rất lớn của Hội Nông dân Việt Nam, bởi có tới gần 70% hợp tác xã trên toàn quốc đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên Hội Nông dân Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong triển khai Nghị quyết 20.
Hội Nông dân Việt Nam cũng là đại diện cho quyền lợi, lợi ích chính đáng của nông dân, trong đó có nhiệm vụ phải hỗ trợ cho người nông dân thực hiện vai trò chủ thể, trung tâm trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong Nghị quyết 46 cũng đã giao chỉ tiêu cụ thể cho Hội Nông dân Việt Nam là hàng năm phấn đấu thành lập mới 5.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 500 chi hội nông dân nghề nghiệp; vận động từ 450.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 1.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 200 hợp tác xã nông nghiệp.
Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 182/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" là rất quan trọng để triển khai nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đồng thời cũng nằm trong chương trình hành động của Chính phủ để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 20.
Thời gian qua, nhờ sức lan tỏa của Nghị quyết 20, bức tranh kinh tế tập thể có rất nhiều điểm sáng. Theo ông, sau 2 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, sự thay đổi lớn nhất trong khu vực kinh tế tập thể là gì?
- Theo tôi, sự thay đổi lớn nhất của khu vực kinh tế tập thể sau khi Nghị quyết 20 được ban hành chính là nhận thức của cả xã hội, cộng đồng người dân, doanh nghiệp về vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã đã thay đổi rõ rệt. Những chủ trương, quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 20 đã được cụ thể hóa ngay. Ví dụ, từ rất sớm, Luật Hợp tác xã 2023 đã được Quốc hội thông qua giữa năm 2023.
Tôi cho rằng, có lẽ ít có nghị quyết nào của Trung ương sau khi được ban hành đã ra ngay được Luật Hợp tác xã, các luật khác cũng sửa đổi theo để cho việc triển khai Nghị quyết 20 như Luật Đất đai; các chính sách về thuế, tín dụng, bảo hiểm cũng được Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành triển khai, điều chỉnh cho phù hợp.
Tôi được biết, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam cũng đã làm rất tốt việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các hợp tác xã, chi tổ hội nghề nghiệp và có hành động biểu dương kịp thời những đơn vị làm tốt. Đó chính là những việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết 20 của Đảng đi vào cuộc sống.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, theo ông, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần ưu tiên những giải pháp gì?
- Ngoài các nhiệm vụ cụ thể đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rất rõ trong Đề án, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người nông dân tích cực tham gia Đề án, hiểu rõ vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, chỉ khi người nông dân thấy được lợi ích của việc tham gia Đề án thì họ mới tích cực tham gia.
Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống Hội các cấp, nhất là cơ sở, đi sâu sát, cùng đồng hành, hướng dẫn người dân tham gia Đề án. Cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ Hội. Thực tế, Nghị quyết 46 cũng đã chỉ rõ một số hạn chế như một bộ phận cán bộ hội năng lực hạn chế, chậm đổi mới tư duy, thiếu tâm huyết, chưa sâu sát cơ sở, chưa đủ uy tín dẫn dắt phong trào nông dân, chưa đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Do vậy, muốn làm tốt thì phải có đội ngũ cán bộ chất lượng để triển khai đề án.
Ngoài sự chủ động của Hội Nông dân Việt Nam rất cần có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, bởi nếu không có sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp thì khó có thể triển khai được ở các địa phương.
Việc thực hiện Đề án cũng rất cần sư phối hợp của các bộ ngành liên quan như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các hội đoàn thể khác trong vấn đề kinh phí, thực hiện dự án, đào tạo nghề, truyền thông, chuyển đổi số,...
Một mặt Hội Nông dân Việt Nam chủ động đề nghị các cơ quan, ban ngành hỗ trợ, những cơ quan này cũng phải nhận thức đó là một trong những nhiệm vụ của mình để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện hiệu quả Đề án.
Với Quyết định 182/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”, ông đánh giá như thế nào về cơ hội cũng như trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển kinh tế tập thể thời gian tới?
- Tôi tin rằng, từ Đề án này, nếu Hội Nông dân Việt Nam làm tốt sẽ là tiền đề cho những đề án khác được giao cho Hội để chăm lo cho đời sống cho hội viên, nông dân.
Hội Nông dân Việt Nam đang đứng trước thời cơ rất lớn khi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, chỉ trong một thời gian ngắn đã ban hành Nghị quyết 46 và bây giờ là Đề án này. Mong rằng, với sợ quan tâm rất lớn của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam sẽ thực hiện hiệu quả đề án, tạo sức bật mới cho kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Xin chân thành cảm ơn ông!