Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (Yên Sơn) đẩy mạnh cơ giới hóa trong việc thu hái chè,
tăng năng suất lao động. Ảnh: Quang Hòa
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết năm 2019, diện tích chè toàn tỉnh đạt 8.473 ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 7.886 ha. Năng suất chè bình quân đạt 83,1 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 65.500 tấn, khoảng 15.000 tấn chè thành phẩm phẩm.
Trên địa bàn toàn tỉnh có 768,8 ha diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn như Rainforest, VietGAP, hữu cơ (Cụ thể: có 6 cơ sở sản xuất chè được chứng nhận VietGAP, với diện tích 73 ha, sản lượng hàng năm trên 1.060 tấn búp tươi; có 2 doanh nghiệp được tổ chức Rainforest cấp chứng nhận Rainforest Alliance (RA), với tổng diện tích 730 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 8.000 tấn búp tươi), 13 sản phẩm chè có nhãn hiệu đã được công nhận.
Một số doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương đã xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến, đầu tư thâm canh tăng năng suất, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất chè… Nhờ đó, chất lượng chè nguyên liệu được nâng lên ở tất cả các công đoạn chăm sóc, thu hái, chế biến. Giá thu mua chè búp tươi được nâng lên, thu nhập của người trồng chè được cải thiện. Các đơn vị thực hiện tốt việc này như tại Công ty CP chè Mỹ Lâm; Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương; Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay, việc sản xuất chè ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Cụ thể là nhiều nơi chăm sóc chè không đúng kỹ thuật (ít sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh; lạm dụng phân bón hóa học; sử dụng chất kích thích sinh trưởng nên vườn chè nhanh bị già cỗi; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…). Ngoài ra, việc thu hái tại nhiều địa phương chưa tuân thủ đúng tiêu chuẩn; chậm trồng thay thế những diện tích chè đã già cỗi, năng suất thấp; diện tích chè Shan chưa được khai thác hiệu quả, năng suất chè nhiều nơi thấp, nhất là vườn chè của các hộ tự trồng; việc liên kết giữa cơ sở chế biến và hộ trồng chè để tạo vùng nguyên liệu bền vững còn ít; sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở những thị trường yêu cầu chất lượng thấp, giá bán thấp; một số nhãn hiệu đã không được duy trì, phát triển, thu nhập từ trồng chè ở mức thấp so với mặt bằng các cây trồng chủ lực của tỉnh.
Để khắc phục những tồn tại trên, đồng thời đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất chè, cải tiến máy móc, thiết bị chế biến để nâng cao chất lượng chè thương phẩm, tích cực quảng bá tiêu thụ chè Tuyên Quang, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào những nhiệm vụ cơ bản, cụ thể, đồng bộ. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ diện tích chè nguyên liệu, đảm bảo giữ ổn định diện tích chè hiện có, không để xảy ra tình trạng tự chuyển đổi diện tích đất trồng chè khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc trồng chè trên đất lâm nghiệp. Tăng cường liên kết giữa cơ sở sản xuất chè với người trồng chè để xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm về năng suất, sản lượng và chất lượng, Mở rộng áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong các quy trình sản xuất chè. Tăng cường quản lý dịch bệnh, sử dụng phân bón an toàn giúp cây chè phát triển bền vững, cho năng suất, chất lượng tốt nhất. Khuyến khích các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở chế chè biến đầu tư cải tạo, nâng cấp dây truyền công nghệ hiện đại để sản xuất, chế biến các sản phẩm chè chất lượng cao, đa dạng hoá sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng nhằm tăng giá bán và giá trị cho sản phẩm chè của tỉnh.
Trong thời gian tới, Tuyên Quang tập trung vào việc phát triển chè phù hợp với định hướng phát triển tổng thể chung của ngành chè và Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của địa phương để phát triển bền vững ngành chè của tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó có phát triển cây chè và khẳng định vị thế ngành chè Tuyên Quang, cây chè đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm chè, nhất là các vùng chè đặc sản. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục cần thiết để người trồng, chế biến chè tiếp cận được các nguồn vốn từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng sản xuất, sản phẩm chè…
Hiện nay, sản xuất chè đặc sản trên địa bàn tỉnh cho thu nhập trên 60 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với một số cây trồng như cây lúa, ngô, dong riềng, lạc. Thu nhập từ sản phẩm chè đen 7 - 10 triệu đồng/tấn; sản phẩm chè xanh 10 - 15 triệu đồng/tấn, sản xuất chè đặc sản thu nhập cho thu nhập từ 40 - 50.000.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, chè vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chất lượng không cao (Trung đông, Trung Quốc,...) với mức giá khá thấp. Với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị sản xuất chè của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong thời gian tới, hy vọng chất lượng, sản lượng chè sẽ được nâng lên, mang lại lợi nhuận tốt hơn cho người trồng chè, các doanh nghiệp chè.
Phong Thu