1. Tuyên truyền các Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Luật Dân quân tự vệ 2019; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2019; Luật Lực lượng dự bị động viên 2019. Nội dung tuyên truyền tập trung vào phạm vi điều chỉnh, quyền và nghĩa vụ liên quan đến nông dân (các Luật được đăng trên Trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh).
2. Tuyên truyền về Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới; hưởng ứng các công trình, phần việc cụ thể chào mừng Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thời gian Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sẽ diễn ra từ 12/10/2020 đến hết 15/10/2020; khai mạc ngày 14/10/2020. Nội dung chính của Đại hội: Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
3. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020). Mỗi đơn vị thực hiện xây dựng ít nhất 01 mô hình điển hình, 01 công trình, việc làm cụ thể chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Tuyên truyền về những đóng góp của tổ chức Hội trong quá trình đổi mới của đất nước, của tỉnh gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua, các tấm gương điển hình, các gương người tốt, việc tốt học tập và làm theo Bác trên các kênh thông tin của Hội như: Bản tin nội bộ, Trang Thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh. Tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam gắn với biểu dương, khen thưởng tôn vinh cán bộ, hội viên, nông dân tiêu biểu; tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo không khí thi đua, phấn khởi trong cán bộ, hội viên. Thời gian tổ chức đợt hoạt động: đến hết tháng 10/2020.
4. Tuyên truyền về Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta phải tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngày 27/3/1948, Trung ương Đảng phát động phong trào thi đua ái quốc: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua yêu nước và chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”. Trải qua 72 năm phong trào thi đua yêu nước, 35 năm thực hiện đổi mới, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành rộng khắp, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước: Nội dung thi đua yêu nước phải toàn diện và gắn với nhiệm vụ cụ thể, thiết thực của nhân dân. Phong trào thi đua phải đa dạng, tinh thần tự giác, sáng tạo. Quá trình thi đua, phải coi những sáng kiến, kinh nghiệm là tài sản vô giá, cần được phát huy. Thi đua phải gắn liền với khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. Tất cả đều nhằm vào một mục đích chung: tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công”.
Trải qua 9 kỳ Đại hội thi đua yêu nước, đã đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua; công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, trong kháng chiến; thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và quá trình phát triển trong suốt 67 năm qua. Các kỳ đại hội đã tuyên dương các Anh hùng, tặng Huân chương, Bằng khen cho các chiến sĩ thi đua, các tập thể và cá nhân tiêu biểu, điển hình tiên tiến.
Định hướng triển khai phong trào thi đua thời gian tới: Tiếp tục quán triệt, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập trung thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; các cuộc vận động, các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước và của tỉnh. Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, dự kiến tổ chức trong tháng 12/2020 tại Hà Nội; có khoảng 2.300 đại biểu tham dự. Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020; khẳng định những thành tựu, kết quả của phong trào thi đua trong 35 năm đổi mới. Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020 của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh được lan tỏa trong hội viên nông dân; luôn phát huy truyền thống, đoàn kết, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia các lĩnh vực đột phá, những việc mới, việc khó của tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tập trung hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ, dạy nghề, tạo việc làm và hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương. Với những thành tích đạt được, Hội Nông dân tỉnh đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì; nhiều cờ, bằng khen của Trung ương, của tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Lễ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020) và biểu dương điển hình tiên tiến lần thứ V, vào ngày 29/9/2020 (gồm 90 tập thể, cá nhân). Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 3 cá nhân; 01 tập thể, 05 cá nhân vinh dự được cử đi dự và khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V và tuyên dương Chi hội trưởng tiêu biểu xuất sắc.
5. Tuyên truyền Hướng dẫn liên ngành số 14/HDLN-STC-NN&PTNT-KH&ĐT-NHNN ngày 22/6/2020 về trình tự, thủ tục thanh toán hỗ trợ lãi suất tiền vay theo các cơ chế chính sách của tỉnh. Đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân tổ chức sản xuất nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Các hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất hàng hoá một số loại cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, lợi thế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các đối tượng được hưởng theo Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012, Quyết định 303/QĐ-UBND ngày 24/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Về chính sách tín dụng: Chủ trang trại được nhà nước hỗ trợ lãi suất 01 lần (50% lãi suất tiền vay) tối đa 500 triệu đồng/trang trại để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ lãi suất 01 lần: đầu tư trồng mới, chăm sóc, chế biến sản phẩm đối với Cây chè đặc sản; trồng mới đối với cây mía; xây dựng vườn ươm sản xuất giống, kho lạnh bảo quản cam quả, trồng mới, trồng lại, chăm sóc đối với Cây cam sành. Nuôi trâu sinh sản, đực giống; cá đặc sản bằng lồng trên sông, hồ thủy điện, hồ thủy lợi; nuôi cá tại ao, hồ nhỏ theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều kiện: có Hợp đồng vay vốn giữa ngân hàng và các đối tượng được hưởng chính sách. Trước ngày 25 tháng cuối quý ngân hàng cấp huyện lập danh sách và chi trả tiền lãi cho đối tượng đủ điều kiện vay vốn có hỗ trợ lãi suất đã được phê duyệt.
6. Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 08/9/2020 của UBND tỉnh về việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát. Các cấp Hội tập trung thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện lợn bị bệnh, lợn nghi mắc bệnh Dịch tả châu phi, giảm thiểu các hành vi làm dịch bệnh phát sinh và lây lan; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và chủ động phòng bệnh. Kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan ra diện rộng. Nguyên tắc nuôi tái đàn lợn: Chỉ nuôi tái đàn lợn tại cơ sở chăn nuôi lợn chưa bị bệnh dịch tả Châu phi hoặc tại cơ sở có bệnh nhưng đã qua 21 ngày và không tái phát bệnh dịch tả Châu phi; bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đối với địa phương chưa công bố hết bệnh dịch tả Châu phi, chỉ được nuôi tại cơ sở tập trung chưa bị bệnh dịch tả Châu phi, đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, được cấp chứng nhận VietGAHP, GlobalGAP hoặc được chính quyền cơ sở, cơ quan thú y xác nhận đáp ứng đủ yêu cầu an toàn dịch bệnh để tái đàn, tăng đàn.
Yêu cầu đối với cơ sở nuôi tái đàn lợn. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn phải kê khai với Ủy ban nhân dân cấp xã trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn lợn, tăng đàn theo quy định của Luật Chăn nuôi: Có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp quản lý cơ sở chăn nuôi theo các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y hoặc đã được chứng nhận cơ sở an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAHP, GlobalGAP. Lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch theo quy định; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn. Bổ xung chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho lợn. Sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; sử dụng các loại thức ăn vi sinh; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt đủ để tiêu diệt được mầm bệnh trong thức ăn; đồng thời vệ sinh, sát trùng dụng cụ chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi.
7. Tuyên truyền về hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên nông dân
7.1. Tuyên truyền về sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri để xử lí đất trong canh tác cây rau màu vụ đông năm 2020. Đất trồng sau nhiều năm canh tác sẽ bị cạn kiệt chất dinh dưỡng, chai hóa, bạc màu do ảnh hưởng của việc sử dụng phân hóa học. Do đó, việc cải tạo đất trồng chính là cách để tái tạo và phục hồi lại nguồn dinh dưỡng và ngăn ngừa, loại bỏ các loại vi khuẩn và nấm có hại ở trong đất. Hiện nay, việc xử lý đất bằng chế phẩm vi sinh mang lại hiệu quả cao. Một trong những chế phẩm vi sinh đang được bà con tin tưởng và sử dụng rộng rãi đó là chế phẩm vi sinh SUMITRI của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Phương Nam. Ngoài việc tiêu diệt cỏ dại, xử lý được mầm mống sâu bệnh từ vụ trước còn lưu trú trong đất, chế phẩm vi sinh SUMITRI còn phân hủy xác thực vật, làm cho đất tơi xốp, thoáng khí giúp duy trì sự hô hấp cho rễ cây và vi sinh vật sống trong đất, hạn chế bệnh chết cây con, bệnh thối rễ. Cách sử dụng: trước khi trồng sử dụng 1-2 gói SUMITRI 125gr phun ẩm đều hoặc rắc (nếu ruộng khô phải tưới ẩm) cho 360m2. Sau đó, dùng màng phủ nông nghiệp (màng bạt, thảm..) phủ kín. Sau 10-15 ngày bỏ màng phủ ra, gieo trồng bình thường. Bổ sung Chế phẩm vi sinh SUMITRI cho đất bằng cách trộn cùng phân bón thúc cho cây rau màu với liều dùng 1-2 gói/360m2.
7.2. Tiếp tục triển khai chương trình cung ứng phân bón vụ đông xuân 2020 - 2021 cho nông dân. Trung tâm Hỗ trợ nông dân đang triển khai chương trình cung ứng phân bón cho hội viên, nông dân và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong 9 tháng đầu năm 2020, đã cung ứng được hơn 1.000 tấn phân bón NPK (đầu vụ đăng ký lấy phân bón, cuối vụ thanh toán tiền). Chương trình giúp hội viên, nông dân giảm bớt áp lực về vốn cho sản xuất, không mua phải phân giả, phân kém chất lượng, góp phần nâng cao năng xuất, hiệu quả, chất lượng của các loại cây trồng.
7.3. Tiếp tục tuyên truyền chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và Công ty Cổ phần đầu tư và bán lẻ BT về triển khai mua chung sản phẩm dầu ăn nhãn hiệu Otran; nước mắm truyền thống, nước giặt, nước rửa chén thương hiệu Noda. Hiện nay chương trình “Mua chung hàng hóa” vẫn tiếp tục được triển khai rộng rãi đến toàn thể hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh với các gói hàng thiết yếu theo từng đợt, mỗi gói hàng trị giá 185.000 đồng (dầu ăn Otran loại 1 lít, nước mắm truyền thống Noda loại 1 lít, nước rửa bát Noda loại 800ml, Miến dong Hợp Thành Tuyên Quang 0,5kg, bột ngọt, hạt nêm) và các mặt hàng thiết yếu khác theo nhu cầu tiêu dùng như: Nước giặt, nước rửa tay... Mọi chi tiết liên hệ với đồng chí Lê Hoàng - Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, điện thoại: 0975 835 455.
Ban Biên tập