Căn nhà 4 tầng khang trang với nội thất đắt tiền thuộc hàng “VIP” nằm ở gần nhà văn hóa tổ. Chủ nhân Hoàng Văn Tuấn tiếp khách vô cùng xởi lởi. Anh là người đầu tiên mang nghề nuôi rắn về nơi đây.
Anh Tuấn sinh năm 1977, tuổi Đinh Tỵ, có lẽ cái tuổi nó gắn liền với cái nghiệp của anh. Nhớ lại ký ức năm 2015, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, cùng năm ấy, nhân chuyến đi thăm người bạn tại làng rắn Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được chia sẻ kinh nghiệm, được tham quan chuồng trại, anh Tuấn thấy thích thú. Tìm hiểu qua sách báo, qua cán bộ chuyên môn về thủ tục cấp Giấy phép chăn nuôi, đến tháng 7 - 2015, anh bắt đầu khởi nghiệp.
Anh Tuấn bảo, số tiền bao năm tích góp cộng với thế chấp căn nhà và vay mượn họ hàng bạn bè, vị chi được tròn 200 triệu đồng. Anh cải tạo 100 m2 đất cạnh nhà làm 70 chuồng nuôi rắn theo đúng kích thước được hướng dẫn và bắt đầu với 70 con rắn hổ mang giống. Anh Tuấn cười khề khà, xong hết cả chuồng trại và đầu tư con giống, cả gia đình còn đúng 200 nghìn đồng, để có thức ăn chăn rắn, anh và vợ phải đi làm thuê cho nhiều người dân trong thị trấn để có tiền trang trải cuộc sống và duy trì mô hình. Có lẽ câu nói “5 ăn 5 thua” đúng với câu chuyện khởi nghiệp của anh.

Anh Hoàng Văn Tuấn, tổ dân phố Ngòi Nẻ hiện có trên 1.600 chuồng nuôi rắn thương phẩm.
Gần 1 năm quay cuồng khởi nghiệp, trải qua bao cuộc bể dâu tưởng chừng sắp bỏ cuộc, nhưng may mắn nhất là có những người bạn luôn đồng hành khi anh khởi nghiệp, hễ rắn có biểu hiện bất thường, chỉ cần chụp ảnh, miêu tả hiện trạng là anh được tư vấn xử lý phù hợp. Sau gần 1 năm chăn nuôi, tháng 6 - 2016, anh Tuấn bán lứa rắn đầu tiên thu được 380 triệu đồng tiền lãi. Anh dí dỏm, không chỉ hoàn vốn mà vẫn dư 180 triệu đồng, kinh tế gia đình cũng từ đó đi lên, số chuồng nuôi mở rộng lên con số 1.620 chuồng như hiện nay.
Nghề nuôi rắn hổ mang cũng lắm công phu, là loài rắn độc nhưng đặc tính của chúng lại khá hiền lành nếu người nuôi hiểu được. Rắn có tập tính ngủ đông nên nuôi cũng khá nhàn, chỉ mùa xuân khi rắn thức giấc mới cần có thức ăn thường xuyên, chuồng nuôi cần thoáng gió, khô ráo nhưng vẫn phải đảm bảo có bóng tối để rắn không bị căng thẳng. Đặc biệt thức ăn chủ yếu là phụ phẩm chăn nuôi như gà, vịt con, ếch, nhái...
Dẫn phóng viên “mục sở thị” cách cho rắn ăn, anh Tuấn lấy móc kéo ra 1 con rắn đen trũi chừng 4 kg, miệng phì phì phun nọc độc khiến tôi không khỏi e ngại. Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi sinh nghề, nhưng không tử nghiệp”, bởi mỗi gia đình đều có bài thuốc lưu truyền bao thế hệ nên khá yên tâm và tự tin gắn bó với nghề, gần 10 năm chăn nuôi, chưa bao giờ anh Tuấn bị rắn cắn.
Tại sao anh không nuôi những loài rắn không độc?
Anh Tuấn cho biết, rắn không độc thường sẽ không lớn khi nuôi nhốt và cũng không có giá trị khi bán ra thị trường.
Trung bình mỗi năm gia đình anh Tuấn bán ra thị trường khoảng 1,5 tấn rắn thịt, trên 2 vạn quả trứng rắn, thu nhập khoảng 2 tỷ đồng. Một con số “khủng” với người dân miền sơn cước.
Phụ nữ cũng theo nghề
Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Na Hang giới thiệu, toàn thị trấn hiện có khoảng 11 hộ nuôi rắn, tập trung chủ yếu ở tổ dân phố Ngòi Nẻ với số lượng khoảng 5.000 chuồng nuôi. 100% các hộ dân đều được cấp phép theo đúng quy định và không vi phạm quy định chăn nuôi gây nguy hiểm cho nhân dân quanh vùng, đặc biệt đầu ra ổn định nên đây đang là nghề mới mang lại thu nhập cao cho người dân.
Đối diện nhà anh Hoàng Văn Tuấn, 9X Đàm Văn Linh là người trẻ nhất trong những người nuôi rắn ở tổ dân phố Ngòi Nẻ. Anh Linh kể, năm 2021, đúng đợt dịch Covid - 19 cũng là năm anh khởi nghiệp, đầu tư 250 triệu đồng xây chuồng, nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, do dịch nên mọi hoạt động giao thương phải dừng lại. Tưởng chừng thất bại, anh đã vét những đồng vốn cuối cùng để mua thức ăn chăm sóc 100 chuồng rắn.

Anh Đàm Văn Linh, tổ dân phố Ngòi Nẻ, thị trấn Na Hang (Na Hang) kiểm tra sức khỏe của rắn.
Đến năm 2022, anh bán rắn thu lãi gần 400 triệu đồng, chưa kể trứng rắn và chủ động được con giống trong chăn nuôi. Anh Linh nói: “Nuôi nhàn lắm, hàng ngày tôi vẫn đi làm nhân viên giao hàng, chỉ dành 1 lúc thời gian buổi chiều cho rắn ăn và dọn dẹp chuồng, kiểm tra sức khỏe hàng tuần cho rắn, thị trường bao năm vẫn ổn định, đến ngày, đến giờ là thương lái lên thu mua toàn bộ”.
Ở phía góc cuối của chuồng có những chuồng nuôi tập trung khá to, anh Linh giải thích, đây là chuồng nuôi rắn con của gia đình. Vào tháng 9, 10 âm lịch, khi thấy đàn rắn có dấu hiệu bỏ ăn, di chuyển nhiều, anh sẽ cho phối giống. Sau khoảng 45 ngày, mỗi rắn cái đẻ 20 - 25 trứng. Ổ trứng được đem ấp ở khu riêng, khi nở lại tiếp tục được chuyển sang khu nuôi rắn con. Rắn nuôi chừng 5 tháng đạt 500-600 gram được đưa lên khu nuôi thương phẩm.
Còn với bà Hoàng Thị Loan, tổ dân phố Ngòi Nẻ được gọi là “người đàn bà thép”. Bà cũng là người phụ nữ duy nhất ở tổ dân phố dám nuôi rắn hổ mang và chắc là của cả huyện Na Hang. Là người không may mắn, khởi nghiệp năm 2018, trải qua quá nhiều thất bại, được sự giúp đỡ của những người làm trước nên bà vẫn bám trụ với nghề và hiện đã thành công với hơn 100 chuồng nuôi.
Bà Loan kể, nuôi rắn sợ nhất là nấm vẩy và viêm phổi, do đó chuồng nuôi cần thoáng khí vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, khi có hiện tượng ốm phải xử lý ngay để tránh lây lan. Bà Loan tự nhận là người cẩn thận, nuôi rắn con bằng thực phẩm chín có trộn men tiêu hóa để đảm bảo an toàn.
Ngôi nhà 3 tầng ở phía đầu tổ, ở phía sau nhà, anh Nguyễn Khánh Thiện với chiếc đèn pin đội đầu đang tất bật cho rắn ăn, anh Thiện chia sẻ, nghề này muốn thành công đầu tiên cái đầu phải lạnh, bình tĩnh xử lý khi có bất trắc. Với hơn 1.000 chuồng nuôi, anh Thiện đứng thứ 2 về số lượng rắn, doanh thu mỗi năm của gia đình cũng ngót 1,5 tỷ đồng.
Anh bộc bạch, cá nhân cũng bị rắn cắn 2 lần, nhưng đều xử lý vết thương và sơ cứu kịp thời nên không có gì nguy hiểm. Chỉ tay vào 2 cây thuốc quý ở góc vườn, anh bảo, đó là khắc tinh của nọc rắn hổ mang và là bài thuốc tái sinh của người nuôi rắn ở Ngòi Nẻ, cây thuốc này hiệu quả hơn nhiều so với dưới xuôi nhưng để trồng được chỉ có ở Na Hang.
Dời Ngòi Nẻ lúc ráng chiều, đứng từ phía xa nhìn cơ ngơi tiền tỷ của nhiều hộ dân nuôi rắn mới thấy cảm phục. Tôi chợt nhớ câu nói của anh Hoàng Văn Tuấn: “Nghề này cho thu nhập cao, đầu ra ổn định, nhưng nếu nhân rộng được nhiều hộ dân và thành lập được làng nghề thì hiệu quả còn nhân lên gấp bội”.
Lê Duy